Tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở trung tâm TP Huế
Với số lượng ôtô tăng nhanh, nhiều tài xế điều khiển phương tiện chưa chấp hành nghiêm quy định Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) cộng với những bất cập về cơ sở hạ tầng giao thông khiến nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Huế bị ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm.
Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài và đang được các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế tìm giải pháp khắc phục.
Nút giao thông tại khu vực ngã sáu trung tâm TP Huế là điểm giao nhau của nhiều tuyến đường chính, gồm: Hùng Vương, Lê Quý Đôn, Bến Nghé, Hà Nội và Đống Đa nên thường xảy ra cảnh ùn tắc giao thông. Vào giờ cao điểm mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện lưu thông qua vị trí nút giao này.
Dù Công an TP Huế cắt cử, bố trí cán bộ, chiến sĩ (CBCS) CSGT thuộc Đội CSGT - Trật tự đến vị trí này túc trực làm nhiệm vụ điều tiết giao thông, hướng dẫn cho phương tiện lưu thông theo đúng các làn đường; đồng thời tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB nhưng vẫn chưa thể khắc phục tình trạng ùn tắc đường.
Thống kê của cơ quan chức năng, lưu lượng giao thông tại nút giao ngã sáu trung tâm TP Huế vào giờ cao điểm sáng có gần 13.000 phương tiện đi qua.Trong đó xe máy chiếm tỷ lệ 60,5%, xe ôtô con chiếm 34%, xe khách/buýt chiếm 4% và xe tải chiếm 1,5%. Theo các cán bộ CSGT làm nhiệm vụ tại nút giao này cho biết, vào giờ cao điểm, dù có lượng lớn phương tiện giao thông đi qua nút giao nhưng nhiều tài xế vẫn không tuân thủ quy định Luật GTĐB. Nhiều người lái ôtô cố tình điều khiển phương tiện chạy lấn làn, không nhường quyền ưu tiên cho các phương tiện khác dẫn đến cảnh ùn tắc cục bộ. Có thời điểm, các phương tiện ôtô phải mất từ 20 đến 30 phút mới lưu thông qua khỏi nút giao thông tại khu vực ngã sáu trung tâm TP Huế.
Ghi nhận của PV Báo CAND, tại các vị trí nút giao thông ở phía Nam cầu Phú Xuân, phía Bắc cầu Phú Xuân và cầu Dã Viên, TP Huế cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm. Nguyên nhân chính là do mật độ người và phương tiện tham giao lưu thông lớn; người điều khiển phương tiện khi dừng xe chờ tín hiệu đèn giao thông đã lấn chiếm phần lòng đường của đường ngược chiều. Tương tự, tại khu vực nội thành Huế và một số khu vực thuộc Đại Nội Huế cũng thường bị ùn tắc giao thông dù tại một số tuyến đường, cơ quan chức năng đã đặt biển báo đường một chiều, cấm xe ôtô lưu thông vào giờ cao điểm…
Ghi nhận tại vị trí Cửa Ngăn nằm ở phía Nam bên trái Kỳ Đài, đây là lối vào gần nhất cho du khách khi đi bộ từ bến xe Nguyễn Hoàng vào Đại nội Huế để tham quan di tích. Khách du lịch đến đây được hướng dẫn đỗ xe ở bến xe Nguyễn Hoàng sau đó di chuyển đi bộ dọc theo cầu Cửa Ngăn. Cao điểm mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt khách đi qua đây để vào tham quan Đại Nội Huế. Do tuyến đường dẫn vào Cửa Ngăn nhỏ hẹp, không có vỉa hè nên du khách phải đi xuống lòng đường để di chuyển qua Cửa Ngăn, gây tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Bên cạnh đó, vị trí vạch kẻ đường cho người đi bộ tại điểm giao nhau giữa Cửa Ngăn với đường Ông Ích Khiêm, TP Huế được đặt gần tại góc cua,bị khuất tầm nhìn, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, du khách.
Trước tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại nhiều khu vực ở trung tâm TP Huế, mới đây, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng lãnh đạo Công an TP Huế; Phòng CSGT Công an tỉnh,các Sở ngành liên quan đã tổ chức kiểm tra thực địa tại một số tuyến đường và làm việc với các chuyên gia giao thông để tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn ùn tắc giao thông.
Ông Dương Anh Tuấn, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nhận định, thời gian qua, lưu lượng giao thông tại TP Huế tăng đột biến, nhất là vào các dịp tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức những sự kiện lớn như Festival Huế, các ngày lễ lớn… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên diện rộng. Vì thế, để giảm ùn tắc giao thông tại nút giao ngã sáu trung tâm TP Huế và một số khu vực khác, địa phương cần tính đến giải pháp cải tạo nút giao hiện trạng bằng việc bố trí đảo giao thông, có thể mở một vài điểm quay ở vi trí thích hợp để phân luồng giao thông; một số tuyến đường như Hùng Vương, Bến Nghé nên là đường một chiều.
Dựa trên ý kiến đề xuất của các chuyên gia giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đề nghị UBND TP Huế, Sở GTVT và các đơn vị khẩn trương nghiên cứu giải pháp, tăng cường bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông để giảm ùn tắc vào giờ cao điểm. Đồng thời yêu cầu các cơ quan tổ chức lấy ý kiến của người dân sinh sống xung quanh khu vực bến xe Nguyễn Hoàng tiếp giáp với đường Trần Huy Liệu về phương án xây dựng cầu gỗ bắc qua Hộ thành hào, kết nối đường Trần Huy Liệu với khu vực Thượng thành đi vào Đại Nội. Từ đó tiến hành nghiên cứu và tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc; tiến hành nâng cấp, chỉnh trang lại bãi đỗ xe ở khu vực Đại Nội, lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát để góp phần đảm bảo trật tự ATGT, xây dựng hình ảnh TP Huế du lịch, an toàn và thân thiện.