Tìm cách gỡ khó trong hoạt động đăng kiểm
Cục Đăng kiểm vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc cho phép áp dụng ngay giãn chu kỳ kiểm định đối với các phương tiện thuộc diện này quy định tại Thông tư 02/2023/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ. Cùng đó, đơn vị này cũng đang xây dựng các phương án tra cứu phương tiện được tự động giãn chu kỳ kiểm định và dự kiến sẽ đưa vào triển khai trong tháng 5/2023.
Chủ xe không cần phải đưa phương tiện đi kiểm định lại
Theo Cục Đăng kiểm, chủ xe sẽ không cần phải đưa phương tiện đi kiểm định lại, không cần làm hồ sơ tại các trạm đăng kiểm mà có thể nhận giấy xác nhận giãn chu kỳ đăng kiểm theo 2 cách: Tra cứu thông tin trên ứng dụng TTDK của Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc Tra cứu trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm.
Đối với cách tra cứu thông tin trên ứng dụng TTDK, Cục Đăng kiểm cho biết, hiện nay app/web TTDK đã được sử dụng rộng rãi trên cả nước, khách hàng có thể dễ dàng tra cứu thông tin phương tiện đăng kiểm. Ứng dụng này ngoài việc cho phép người dùng đặt lịch đăng kiểm trực tuyến, chọn thời gian và địa điểm phù hợp, tránh tình trạng xếp hàng chờ đợi lâu tại các trạm đăng kiểm, sắp tới đây, sẽ cho ra mắt tính năng "Gia hạn đăng kiểm" đối với các phương tiện cũ nằm trong diện được giãn chu kỳ kiểm định. Tính năng này tương tự như một giấy chứng nhận điện tử cho chủ xe sử dụng, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người dùng, đồng thời giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại trung tâm đăng kiểm. Sau khi nhập đúng và đầy đủ thông tin, nếu phương tiện được chấp nhận giãn chu kỳ đăng kiểm, trên app sẽ hiển thị thông báo về việc giãn chu kỳ đăng kiểm của phương tiện đó. Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận và tem kiểm định sẽ được cấp cho người dùng. Giấy chứng nhận này sẽ có mã QR-Code, khi tham gia trên đường, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ quét thông tin qua mã để xác thực thông tin phương tiện.
Với cách tra cứu trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam, khách hàng cũng thực hiện nhập đầy đủ thông tin về phương tiện, bao gồm: biển số xe, số khung, số giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và mã kiểm tra xác thực để kiểm tra thời hạn đăng kiểm của phương tiện.
Tương tự, Cục Đăng kiểm sẽ cấp giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận và tem kiểm định ghi nhận thời gian đã gia hạn của phương tiện. Chủ phương tiện có thể tải về điện thoại hoặc in ra giấy để sử dụng khi tham gia giao thông.
Theo Cục Đăng kiểm, nếu phương án cho phép tự động giãn chu kỳ kiểm định được Chính phủ thông qua sẽ giúp cho phương tiện ôtô được tự động giãn chu kỳ mà không cần kiểm định lại, các trung tâm đăng kiểm sẽ giải quyết được tình trạng quá tải như hiện nay. Cân nhắc tính chu kỳ kiểm định theo số km xe chạy.
Tiềm ẩn gian lận nếu tính theo số km xe chạy
Liên quan đến đề xuất tính chu kỳ kiểm định ôtô theo số km xe chạy, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, việc tính sự hao mòn phương tiện theo số km có thể chính xác hơn so với tính theo thời gian thực, tuy nhiên áp dụng để xác định chu kỳ kiểm định ôtô không khả thi, không thực tiễn.
Ông Tạo phân tích, sự hao mòn, hư hỏng của một chiếc ôtô được xác định theo 2 chỉ tiêu: Số km xe chạy (tức là cường độ mài mòn của các chi tiết) và sự hao mòn có tính chất vô hình (tự hao mòn theo thời gian, ở 1 số chi tiết như dầu nhớt, lốp). Do đó, khi xác định quá trình hao mòn của xe, mọi người thường quan niệm những xe chạy nhiều sẽ chóng hỏng hơn xe chạy ít do xe ít đi, hao mòn ít hơn sẽ giúp ôtô duy trì trạng thái hoạt động tốt hơn. Nếu tính được số km xe chạy một cách chuẩn xác để làm cơ sở xác định thời hạn cần thiết đánh giá lại trạng thái kỹ thuật của xe, về mặt chuyên môn sẽ chính xác hơn.
Tuy nhiên, thực tiễn, trên thế giới, ngay cả các nước phát triển như Anh, Đức, Mỹ cũng tính chu kỳ kiểm định xe theo thời gian giống Việt Nam mà không áp dụng cách tính số km xe chạy dù những nước này là bậc thầy về trình độ kỹ thuật phương tiện. Không phải vì họ chưa nghĩ đến mà bởi việc áp dụng trong thực tiễn không khả thi.
Hiện nay chưa có cách nào xác định chính xác số km xe chạy, đối với đồng hồ km gắn trên xe không đủ tính trung thực bởi thiết bị dễ dàng bị can thiệp như tháo đồng hồ cũ ra lắp mới, hư hỏng ngưng trệ, hay thậm chí còn có tình trạng “tua” số km.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo trung tâm đăng kiểm bày tỏ, đề xuất trên không phù hợp bởi thực tiễn việc mua bán ôtô cũ đã cho thấy, chỉ cần 200 - 300 nghìn đồng, chủ xe dễ dàng tua được số km trên đồng hồ công tơ mét của xe hoặc chỉ cần rút cảm biến công tơ mét lập tức đồng hồ đo sẽ dừng lại. Khi đồng hồ công tơ mét không chạy nữa, dựa vào ý thức của người dân hiện nay liệu bao lâu sẽ chủ động đưa xe đi đăng kiểm hay sẽ không bao giờ. Cơ quan nào sẽ kiểm soát số km của xe và bằng cách nào. Hiện nay, không có bên nào làm được điều này.
Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đơn vị đã và đang tiếp tục nghiên cứu vấn đề này trước khi có báo cáo cuối cùng. Tuy nhiên, cũng theo vị này, các nước trên thế giới hiện chỉ áp dụng cách tính số km vận hành trong bảo hành, bảo dưỡng phương tiện mà không áp dụng trong chu kỳ kiểm định. Để áp dụng ở Việt Nam cũng phải đưa quy định này vào Bộ luật Hình sự mới đủ tính răn đe, ngăn chặn. Nếu chỉ đưa vào Luật Giao thông đường bộ và phạt hành chính thông qua Nghị định 100 thì không thể ngăn chặn triệt để việc gian lận số km.