Tập trung xử lý vướng mắc cho cao tốc Bắc - Nam
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (GTVT).
Không ban hành đơn giá bồi thường làm tăng chi phí GPMB bất hợp lý
Đánh giá tình hình triển khai các dự án hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo Thủ tướng, đây là công việc rất khó khăn, phức tạp, là điểm nghẽn, nút thắt trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; đặc biệt là phần công việc, diện tích GPMB liên quan đến đất ở, di dời hạ tầng kỹ thuật, mồ mả…
"Các địa phương cần giải quyết dứt điểm công tác GPMB theo đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ, tập trung vào xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân; khuyến khích hình thức tái định cư tại chỗ. Bên cạnh đó, phải rà soát kỹ lưỡng trình tự, thủ tục xác định chi phí đền bù GPMB, không ban hành đơn giá bồi thường, hệ số điều chỉnh giá đất thiếu cơ sở làm tăng chi phí GPMB bất hợp lý, không phù hợp với khung chính sách đã được phê duyệt", Thủ tướng chỉ đạo.
Thông báo kết luận cũng nhấn mạnh, trước ngày 15/9/2023, Bộ Xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ (trên cơ sở giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, đền bù cây cối, hoa màu…) theo đúng chỉ đạo. Thủ tướng yêu cầu, đồng thời chỉ đạo các nhà thầu tiếp tục tập trung thi công "3 ca 4 kíp" để hoàn thành dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, kỹ thuật, mỹ thuật, không "đội" vốn…
Dành sự quan tâm lớn đến dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng đề nghị các địa phương phấn đấu hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 3/2023. Trong tháng 9/2023, các địa phương có dự án đi qua thành lập các tổ công tác để làm việc, thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất và hỗ trợ, đẩy nhanh các thủ tục, bảo đảm nhà thầu có thể triển khai được 27 mỏ đã hoàn thành bản đăng ký khai thác.
Cũng trong tháng 9/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương thực hiện việc nộp tiền vào Quỹ đối với các địa phương không còn diện tích trồng rừng thay thế hoặc diện tích còn lại không đủ để trồng rừng thay thế, bảo đảm rút ngắn thời gian chuyển mục đích sử dụng rừng; Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý dứt điểm việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
6 bài học từ làm cao tốc Ninh Bình đến Nghệ An
Ngày 8/9, tại hội nghị sơ kết về thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017-2020 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã nêu 6 bài học kinh nghiệm khi triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, sau khi hoàn thành 4 dự án cao tốc từ Ninh Bình đến Nghệ An (thuộc giai đoạn 1). Trước hết là huy động sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội, vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Thứ hai cần bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc để giải quyết, thực hiện như Chính phủ đã quán triệt là "khó khăn ở đâu thì giải quyết ở đó, ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, tránh các hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm", ảnh hưởng đến tiến độ và mục tiêu chung của các dự án.
Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước. Do vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng thời một số công việc để đẩy nhanh tiến độ, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, giao mỏ vật liệu, xác định bãi đổ thải, hạn chế tối đa việc bàn giao mặt bằng "xôi đỗ" gây khó khăn trong quá trình thi công. Cần quan tâm xây dựng các khu tái định cư đảm bảo tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, để người dân yên tâm về nơi ở mới, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao của người dân bị ảnh hưởng, nhanh chóng bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.
Thứ tư là, nhu cầu vật liệu đắp nền đường rất lớn, các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án; đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình. Năm là, công tác chuẩn bị đầu tư cần được chuẩn bị kỹ lưỡng đặc biệt là tư vấn khảo sát thiết kế giảm thiểu sai số.
Cuối cùng là các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp điều kiện thực tế. huy động đầy đủ nhân lực, tài chính, máy móc thiết bị hiện đại, tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường; chú trọng chăm lo quyền lợi chính đáng, đời sống tinh thần, động viên cổ vũ người lao động. Tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật của Dự án, các quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng khoảng gần 3.700 tỷ đồng
Báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV tình hình triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Bộ GTVT cho biết, sau hơn hai tháng khởi công, tính đến cuối tháng 8/2023, các địa phương đã bàn giao mặt bằng 120/452ha, đạt gần 27%.
Theo Bộ GTVT, công tác bàn giao mặt bằng cho dự án chậm so với tiến độ yêu cầu nên không đảm bảo công địa để triển khai thi công trên hiện trường.
Đáng chú ý, báo cáo của địa phương cho thấy, chi phí GPMB được tính toán tại thời điểm hiện tại của các dự án thành phần dự kiến tăng khoảng 3.674 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng hơn 3.665 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 59/2022 ngày 16/6/2022.
Về tiến độ triển khai tái định cư, thực tế, các khu tái định cư phục vụ GPMB dự án thành phần 1 và 2 chưa triển khai xây dựng, tiến độ bàn giao mặt bằng trong năm 2023 là khó khả thi.