Tăng cước phi lý, Grab né đối thoại với báo chí
Các chuyên gia cho rằng, cần phải xem xét lại thị phần của Grab trên thị trường để áp giá trần, chứ không để một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn lại tự ý nâng giá bằng cách lách theo kiểu phụ thu phí nắng nóng, đổ đầu người tiêu dùng.
Khách hàng bức xúc, tài xế bất bình
Những ngày qua, chuyện Grab thu phụ phí nắng nóng vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Chị Ngọc Yến (Hà Nội) là một khách hàng VIP của Grab, chị cho biết: “Do đặc thù kinh doanh, nên tôi sử dụng dịch vụ của Grab thường xuyên, từ đi lại cho đến ship hàng. Vì thế, tôi được nằm trong danh sách khác hàng VIP, mỗi tháng được khuyến mại giảm giá cho 120 lần sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, dù được giảm giá, song lần phụ thu phí nắng nóng này, tôi vẫn phải thực hiện như mọi người, không có ưu đãi nào cả. Mỗi tháng, 120 lần sử dụng dịch vụ, mỗi lần tôi bị thu thêm 3 nghìn đồng, tính ra mỗi tháng, tôi đang phải trả thêm cho Grab 360.000 đồng. Tôi chỉ là 1 cá nhân, trong khi khách hàng của Grab lên đến hàng triệu người, thử hỏi con số phụ thu mà Grab “móc túi” khách hàng lớn đến như thế nào?”, chị Yến bức xúc.
Cùng nỗi bức xúc như chị Yến, chị Hà Liên (Đống Đa - Hà Nội) lo ngại sẽ xảy ra tình trạng "phí chồng phí" vì mấy tháng gần đây, cước phí của Grab đã tăng chóng mặt. Vào giờ cao điểm, Grab đã tính mức giá cao gấp rưỡi so với lúc thông thường. Như với một đoạn đường hơn 2km từ Xuân Thủy ra Lê Đức Thọ, vào khoảng 11h trưa là 74.000 đồng - mức giá này còn đắt hơn cả gọi taxi, còn với xe ôm truyền thống thì số tiền cao hơn phải tính bằng lần.
“Từ trước đến giờ, điều kiện thời tiết nắng nóng hay mưa gió chính là khi nhu cầu đi lại bằng Grab, taxi… tăng cao. Bình thường hãng đã tăng giá vào các thời điểm này. Giờ còn thêm phí nữa chứng tỏ hãng đang tận thu khách hàng trong điều kiện bất khả kháng. Thu phí nắng nóng, vậy nếu sang mùa đông thời tiết miền Bắc lạnh giá, Grab sẽ lại thu phí giá buốt nữa sao?”, chị Liên bất bình.
Điều đáng nói, không phải chỉ khách hàng, mà ngay cả chính tài xế của hãng Grab cũng không đồng ý với cách thu phụ phí nắng nóng này.
“Trong thời buổi gạo châu củi quế, cái gì cũng tăng như hiện nay, thêm 1 đồng là khó 1 đồng cho khách hàng, chúng tôi là tài xế cũng không muốn đổ thêm gánh nặng lên vai khách hàng. Thực tế, nhiều khách hàng khi biết giá cước tăng cao, họ đã chọn phương tiện di chuyển khác, nên tưởng tăng giá là được lợi, nhưng thực chất đang làm ảnh hưởng trực tiếp tới cánh tài xế chúng tôi. Hơn nữa, mang tiếng là phụ thu phí nắng nóng để hỗ trợ cho tài xế, song thực tế chúng tôi đâu có được hưởng toàn bộ số tiền đó, mà Grab đang “ăn” 1/3”, anh T.Q - một tài xế Grab chia sẻ.
Theo tính toán của anh T.Q, mặc dù thu phí nắng nóng là 3.000- 5.000 đồng, song Grab đã “cắt” lại khoảng 900-1.500 đồng mỗi cuốc xe. "Ví dụ, tôi chạy 1 chuyến xe được 100.000 đồng, theo tỉ lệ ăn chia 7/3, Grab sẽ nhận khoảng 30.000 đồng. Giờ cuốc xe sẽ được cộng thêm 5.000 đồng, tức là giá cước từ 100.000 đồng lên 105.000 đồng, Grab hưởng gần 31.500 đồng. Tại sao nói hỗ trợ tài xế mà Grab lại bỏ túi 1.500 đồng. Chưa kể, nếu hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu chuyến/ngày, thì số tiền Grab thu về là rất lớn”, anh T.Q tính toán.
Grab “tránh mặt” cơ quan báo chí?
Để có câu trả lời chính xác cho việc Grab tăng phụ phí nắng nóng dựa vào cơ sở nào, PV Báo CAND đã liên hệ với Công ty Grab để tìm hiểu thông tin 2 chiều. Sau khi đặt vấn đề với bộ phận truyền thông, Grab yêu cầu chúng tôi gửi câu hỏi qua email rồi sẽ có câu trả lời. Tuy nhiên, câu hỏi của PV Báo CAND gửi đi đã bị mất hút. Phía Grab đến hôm nay cũng không có bất kỳ phản hồi nào, thậm chí chúng tôi cố gắng liên lạc qua điện thoại nhiều lần nhưng đại diện truyền thông bên Grab không nghe máy.
Trước sự bất hợp tác này của Grab, trao đổi với Báo CAND, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, Grab cần có trách nhiệm giải trình rõ về việc thu phụ phí. Khoản thu này hãng xe hưởng toàn bộ hay chia tỷ lệ cho tài xế? Do vậy, ở góc độ ứng xử với khách hàng, Grab cần làm rõ các thông tin mà khách hàng chưa rõ để khách hàng cân nhắc khi sử dụng dịch vụ. Cơ quan quản lý cũng cần vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Được biết, Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có Công văn số 785/CT-HCT gửi Công ty TNHH Grab yêu cầu doanh nghiệp này cung cấp danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị. Đồng thời, yêu cầu Grab cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay, bao gồm: Căn cứ, cơ sở và tiêu chí để áp dụng, thời gian áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe,…; cùng các thông tin, tài liệu liên quan khác trước ngày 18/7. Tuy nhiên, cho đến 15h chiều ngày 18/7, theo tìm hiểu của chúng tôi thì phía Grab vẫn chưa có báo cáo.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đã đến lúc cần xem xét lại thị phần của Grab trên thị trường vận tải công nghệ và thị trường vận tải nói chung. Theo một khảo sát của Q&Me công bố vào tháng 6/2021, dựa trên số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe hai bánh, Grab chiếm khoảng 60% thị phần, Gojek chiếm 19% còn Be chiếm 18%. Đối với ôtô, thị phần của Grab áp đảo với 66%, Be chiếm 22% và phần còn lại chia cho các ứng dụng khác.
“Theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan nếu có thị phần từ 30% trở lên hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Hai doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trên thị trường liên quan nếu có tổng thị phần từ 50% trở lên và cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Ba doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan nếu có tổng thị phần từ 65% trở lên. Bốn doanh nghiệp được coi là vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan nếu có tổng thị phần từ 75% trở lên...
Theo số liệu thống kê nói trên thì Grab hiện đang có thị phần thống lĩnh thị trường. Bởi vậy, đã đến lúc cơ quan chức năng cần xem xét, quy định giá trần đối với Grab để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Long đề nghị.