Tai nạn giao thông liên quan đến người trẻ tuổi có xu hướng tăng

Chủ Nhật, 25/12/2022, 09:33

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Nâng cao an toàn giao thông đối với người đi xe máy” do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia vừa tổ chức. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có 25 người chết do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, chủ yếu là người đi môtô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy). Độ tuổi gây tai nạn chủ yếu từ 27-55 tuổi.

TS Nguyễn Đinh Vinh Mẫn, Trường Đại học Việt Đức chia sẻ, tỷ lệ các vụ TNGT liên quan đến người trẻ tuổi, ít kinh nghiệm (dưới 18 tuổi) và người cao tuổi (trên 55 tuổi) đang có xu hướng tăng. Nguyên nhân chính có thể kể đến là do kết cấu hạ tầng, do phương tiện và do ý thức của người tham gia giao thông. 3 hành vi nguy hiểm phổ biến của người điều khiển xe máy gây ra TNGT gồm: Chạy quá tốc độ quy định, sử dụng rượu, bia, không tập trung trong quá trình điều khiển xe.

Tai nạn giao thông liên quan đến người trẻ tuổi có xu hướng tăng -0
TNGT do xe máy gây ra chiếm đến 70% số vụ TNGT đường bộ.

Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia nhận định, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, việc tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và ưu tiên đầu tư phát triển phương tiện vận tải đô thị khối lượng lớn; tổ chức làn đường dành riêng cho xe môtô, xe gắn máy; xây dựng hệ thống cầu vượt nhẹ bằng thép cho xe môtô, xe gắn máy và xe ôtô có tải trọng nhẹ; xây dựng cầu vượt, hầm chui cho người đi bộ đã được đưa vào nghị quyết.

Tuy nhiên, đến nay, qua đánh giá cho thấy, việc thực hiện giải pháp hạ tầng và tổ chức giao thông còn rất chậm và nhiều bất cập. Ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh mới chỉ có vài tuyến đường triển khai phương án phân tách làn xe máy riêng. Do đó, PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Trường ĐH Việt Đức đã xây dựng và đề xuất áp dụng “Sổ tay thiết kế tuyến đường và làn đường dành riêng cho xe hai bánh (xe máy)” nhằm mang đến môi trường tham gia giao thông an toàn hơn cho người đi xe máy.

Ngoài ra, ông Lê Văn Đạt, Trưởng phòng An toàn giao thông và Phân tích cơ sở dữ liệu GTVT, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) còn cho rằng, cần bổ sung thêm loại “giấy phép lái xe” (GPLX) cho người điều khiển xe gắn máy (loại phương tiện có dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50 cm3, tốc độ tối đa không quá 40 km/h). Về độ tuổi nên quy định từ 16 tuổi trở lên phải thi GPLX.

Cùng với đó, nghiên cứu, xem xét thiết lập hệ thống cấp GPLX tạm thời cho người mới lái và hệ thống điểm an toàn cho người lái xe (số điểm tương ứng với lỗi vi phạm cho từng loại phương tiện và số điểm mỗi loại GPLX được cấp khi cấp mới hoặc cấp đổi theo thời hạn của GPLX) và bổ sung thời hạn cấp đổi GPLX đối với hạng A1, A2.

Đặc biệt, ông Đạt cũng đề xuất, cần hoàn thiện giáo trình đào tạo, xây dựng các bài thực hành trên thiết bị mô phỏng. Các tình huống cần xây dựng, gồm: Điều khiển môtô trong điều kiện ban đêm, sương mù, mưa bão, ngập lụt, đường sình lầy, trên đường miền núi, qua ngầm, tràn, trên đường quốc lộ (với các tình huống bất ngờ xảy ra qua đường tại các khu vực đông dân cư, bán đô thị)…

Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, công tác đảm bảo ATGT nói chung và xe máy nói riêng thời gian qua đã được cải thiện rất nhiều, tuy nhiên ATGT là cả một quá trình và cần có những giải pháp thiết thực phù hợp với tình hình thực tế để nâng cao hơn nữa ATGT cho người dân. Ủy ban sẽ tiếp thu, chắt lọc các ý kiến đưa vào các báo cáo tổng hợp để đề xuất đối với các cơ quan quản lý các giải pháp nhằm nâng cao ATGT cho người đi xe máy, cũng như có văn bản hướng dẫn gửi đến các địa phương để thực hiện.

Đ. Nhật
.
.
.