Tắc đường triền miên, Hà Nội rà soát lại quy hoạch giao thông

Thứ Năm, 21/09/2023, 06:10

Nửa tháng trở lại đây, sau ngày khai giảng, học sinh, sinh viên quay trở lại trường, đường phố Hà Nội vốn đã khó di chuyển lại càng thêm tắc, khiến người dân lưu thông nhiều phen khổ sở. Trời nắng, tạnh ráo di chuyển đã khổ, nhưng gặp hôm thời tiết đổ mưa, đường ngập lại thêm tắc thì ôi thôi, người dân đi đường như lạc vào mê cung không lối thoát.

Hà Nội còn 32 điểm ùn tắc

Thời gian gần đây, trên các tuyến đường trục chính vào trung tâm Hà Nội như: Tố Hữu, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển… liên tục xuất hiện cảnh người và xe chật cứng, di chuyển khó khăn. Nhức nhối nhất phải kể đến đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân), trong khoảng thời gian cao điểm sáng từ 7h10 - 8h40, chiều từ 17h20 - 19h30, ôtô, xe máy không chỉ giậm chân tại chỗ trên đường mà còn ken kín cả vỉa hè.

Vừa chật vật qua tuyến đường Khuất Duy Tiến, người tham gia giao thông tiếp tục ám ảnh khi phải lưu thông qua đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm). Trên tuyến đường này, lâu nay giờ cao điểm, vỉa hè trở thành “cứu cánh” của xe máy. Bên dưới, cả đoạn đường cả gần km, thi thoảng lại có tình trạng xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng di chuyển với tốc độ rùa bò để đón, trả khách… khiến áp lực giao thông càng gia tăng.

3.jpg -0
Diện tích đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị còn thấp, xe cá nhân gia tăng nhanh là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc giao thông.

Là một người dân thường xuyên phải lưu thông trên trục đường ùn tắc, chị Thanh Phương, nhà ở đường Tố Hữu bày tỏ: “Buổi sáng đưa các con đi học qua cung đường Khuất Duy Tiến là một cực hình, nhất là tầm sau 7h sáng. Càng lên nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, càng tắc, có khi đợi chờ 30 phút chưa qua được. Nhiều phụ huynh gọi đây là cung đường "kinh hoàng". Cùng chung cảnh ngộ, anh Đào Anh Tuấn, nhà ở Lương Thế Vinh cho hay: "Bây giờ hay tắc hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu, xe ùn lại, muốn rẽ vào Nguyễn Tuân thì phải nhích từng tí một. Còn quay xe đi theo đường Vành đai 3 Khuất Duy Tiến thì không khá hơn, do đó, nhiều hôm tôi phải chọn giải pháp đi xe buýt. Trẻ con nhà tôi đến trường cũng bằng xe buýt dù nhà khá gần trường".

Nỗi khổ của người dân không phải các cơ quan chức năng - nhất là những người làm trong lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông - không biết, song không thể giải quyết một sớm một chiều. Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, đơn vị đã xử lý được 5/37 điểm đen ùn tắc gồm: nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, Đại La - Trần Đại Nghĩa, Ngã Tư Vọng, nút giao Sa Đôi - đường 70 và nút Ngã Tư Sở - Láng. Sở này cũng đã thí điểm điều chỉnh những bất cập về tổ chức giao thông một số nút như: Tổ chức giao thông tại 6 nút giao trên tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn (trục đường xe buýt BRT); Tổ chức giao thông các trục, tuyến đường khác gồm: Trục đường Vành đai 2, Thụy Khuê, Chu Văn An - Vạn Phúc, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi. Trên cầu Thanh Trì và trục đường vành đai 3 trên cao, Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông ở 26 nút giao, ngã tư…

Nhiều vấn đề cần xem xét cho tương lai của mạng lưới GTVT Thủ đô

Theo đánh giá của Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội, từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã trải qua 4 lần điều chỉnh địa giới, nhiều lần phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, đã tạo ra những áp lực, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch. Hạ tầng giao thông của Thủ đô đang phải gánh tới khoảng 7,9 triệu phương tiện (trong đó, có 1,1 triệu xe ôtô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ôtô, trên 3%/năm đối với xe máy. Đó là chưa tính đến 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác về hoạt động tại Hà Nội.

Theo số liệu khảo sát của Sở GTVT Hà Nội, lượng xe qua cầu Thanh Trì là 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế. Các tuyến đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... vào các giờ cao điểm lưu lượng phương tiện cũng vượt khoảng 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế. Nút Ngã Tư Sở lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ, nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Tắc đường triền miên, Hà Nội rà soát lại quy hoạch giao thông -0
Cảnh ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội).

Với mục tiêu nhận diện rõ những bất cập, Sở GTGT Hà Nội đã đề xuất với Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội thuê tư vấn độc lập đánh giá lại Quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đại diện đơn vị tư vấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải (TEDI) Phạm Hữu Sơn cho biết, đơn vị đã phối hợp, rà soát, đánh giá những nội dung đạt được của quy hoạch, đồng thời sẽ đề xuất định hướng phát triển đối với từng lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy nội địa, phục vụ cho việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (Quy hoạch 1259) với tầm nhìn đến năm 2065, khác rất nhiều so với quy hoạch đang thực hiện dừng lại ở tầm nhìn 2050.

“Nội dung quy hoạch giao thông - vận tải kỳ này đặt ra yêu cầu gắn kết chặt chẽ với các tỉnh xung quanh thành phố Hà Nội. Đơn vị tư vấn đã có cuộc họp với các địa phương xung quanh Hà Nội để tiếp thu, hình thành ý tưởng phát triển về giao thông kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh, thành”, ông Phạm Hữu Sơn nói.

Tổng giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn cũng nêu lên một số vấn đề cần xem xét cho tương lai của mạng lưới GTVT Thủ đô. Cụ thể, trước đây Hà Nội chỉ quy hoạch đến Vành đai 5. Nhưng với nhu cầu kết nối cao, tốc độ phát triển đô thị nhanh như hiện nay, đặc biệt là khi hình thành các thành phố trực thuộc, đô thị vệ tinh, Hà Nội sẽ cần phải nghiên cứu đến cả Vành đai 6. Nhiều trục đường trước đây không có quy hoạch đường sắt đô thị nhưng hiện đã trở thành trục chính, mật độ giao thông rất lớn, ví dụ như đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, có thể nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt đô thị kết nối đến tỉnh Hòa Bình…

Đặng Nhật
.
.
.