Siết quản lý hoạt động bến thủy thiếu an toàn
Trong tháng 9 và 10/2024, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã lập các đoàn đi kiểm tra trực tiếp về công tác quản lý bến thuỷ tại địa bàn các tỉnh phía Nam, phát hiện nhiều hạn chế, vướng mắc cả về quản lý hồ sơ và hiện trường.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông
Theo thống kê từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện cả nước có hơn 5.500 bến được cấp phép, đang hoạt động và hơn 1.000 bến thủy nội địa không phép trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia.
Riêng hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có thời điểm có tới hơn 130 bến hoạt động không phép. Bắc Giang có hơn 80 bến nằm trên tuyến sông Thương và sông Lục Nam, sông Cầu; Bắc Ninh có gần 60 bến nằm trên hai tuyến sông Cầu và sông Đuống. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp xử lý cảng, bến không phép như tăng cường kiểm tra, gửi văn bản đề nghị địa phương xử lý, hướng dẫn chủ bến hoàn thiện hồ sơ để được cấp phép.
Để đảm bảo an toàn cho hoạt động đường thuỷ, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra tại hàng loạt tỉnh phía Nam. Theo đó, tại TP Hồ Chí Minh, số bến không phép đã gia tăng.
Cụ thể, theo danh sách mới nhất của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, hiện số lượng bến thủy nội địa chưa được công bố hoạt động nhưng đang tồn tại trên địa bàn đã lên đến 71 bến. Trước đó, vào thời điểm tháng 7/2024, số lượng bến không phép chỉ dừng lại ở 54. Như vậy, số lượng bến không phép qua rà soát đã tăng 31% chỉ trong 3 tháng.
Tại TP Cần Thơ, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều bến không có gờ chắn xe, thiếu thiết bị đệm chống va; thiết bị xếp dỡ không có đăng ký, đăng kiểm theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Còn tại An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Đồng Tháp, các lỗi vi phạm phổ biến là không có trụ va neo; bến không có gờ chắn xe, thiếu thiết bị chống va, kè bảo vệ bến sạt lở không đảm bảo an toàn. Thiết bị xếp dỡ không có đăng ký, đăng kiểm theo quy định hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn theo quy định, bến thủy nội địa quá thời hạn hoạt động, vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động...
Về công tác quản lý, cấp phép, qua kiểm tra hồ sơ xác suất cho thấy, đa số các bến thủy nội địa đã được địa phương cấp phép, công bố nhưng lại không có trong quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa của địa phương.
Các bến thủy nội địa được cấp giấy phép hoạt động và công bố lại hoạt động trên phần đất không phải là đất giao thông, không đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Mục đích sử dụng đất khi được giao đất của các chủ bến chủ yếu là đất trồng cây, trồng lúa, đất đô thị... Ngoài ra, có một số bến không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Xử lý nghiêm bến trái phép
Theo Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, nguyên nhân số cảng, bến không phép vẫn đang gia tăng là do các địa phương điều chỉnh quy hoạch đường thủy nội địa, nên nhiều bến không còn được gia hạn giấy phép hoạt động.
Ngoài ra, nhiều địa phương chưa lập, phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông đường thủy hoặc quy hoạch không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu mở bến thủy. Thực tế, số lượng các bến thủy hoạt động không phép, bến hết hạn hoạt động chưa được cấp lại hiện nay nằm đan xen với các bến đã được cấp phép hoạt động, gây ra sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh.
Các phương tiện thủy vào, rời các bến không phép không được kiểm tra, kiểm soát, nộp phí như phương tiện hoạt động tại bến có phép. Đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Do vậy, giải pháp được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề xuất, kiến nghị với Bộ GTVT là ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý đường thủy nội địa, trong đó quy định theo hướng: UBND cấp tỉnh chủ trì, tổ chức giải tỏa, cưỡng chế, giám sát các cảng, bến, khu neo đậu, vùng chuyển tải, vùng neo chờ không đủ điều kiện hoạt động và các công trình, nhà hàng nổi, khách sạn nổi hoạt động trái quy định hoặc theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Đồng thời, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ban hành, sửa đổi, bổ sung quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có quy hoạch chi tiết cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh được thể hiện đầy đủ, bảo đảm đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.
Chỉ đạo UBND cấp huyện giải tỏa bến thủy nội địa không được quy hoạch. Tổ chức kiểm tra, rà soát các bến thủy nội địa không còn hoạt động để hoàn thiện hồ sơ đóng, giải tỏa theo quy định; Ban hành quy định thuê mặt nước gắn liền với bến thủy nội địa.
Đối với UBND cấp huyện, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Tuân thủ đúng quy trình, trình tự, thời hạn thủ tục hành chính cho ý kiến, công bố, công bố lại, gia hạn và hướng dẫn tổ chức, cá nhân trình hồ sơ theo quy định. Kiểm tra, rà soát, làm việc cụ thể với các chủ bến đối với các bến hết hạn (nhất là các bến hết hạn đã lâu); yêu cầu chủ bến thực hiện đúng các quy định pháp luật.