Sắp xếp luồng tuyến vận tải: Tránh thí điểm kiểu "trăm hoa đua nở"

Thứ Sáu, 06/12/2024, 12:30

UBND TP Hà Nội mới đây đã chấp thuận kiến nghị của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho phép một doanh nghiệp vận tải thí điểm tuyến vận tải mới từ Bến xe Giáp Bát đi Bến xe TP Lào Cai, Bến xe Sapa và tuyến Bến xe Nước Ngầm đi Bến xe Sapa trên cơ sở đăng ký phương án khai thác tuyến cố định, không khai thác vào những khung giờ cao điểm tại Hà Nội để tránh ách tắc giao thông.

Việc chấp thuận tuyến vận tải thí điểm có làm ảnh hưởng đến quy định luồng tuyến vận tải Hà Nội đã công bố hay không? Liệu có phải là tiền đề để bỏ quy định luồng tuyến vận tải hiện nay? Và làm cách nào để tránh được tình trạng xe khách “lách quy định” chạy xuyên tâm thành phố?

Việc mở tuyến sẽ dễ tạo ra tiền lệ

Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam chia sẻ: Ngoài Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh, các Bến xe miền Đông, miền Tây từ  trước đến nay đều phục vụ theo hướng tuyến và các tỉnh thành khác cũng thực hiện theo hướng này nên Hiệp hội vận tải cho rằng, việc tổ chức vận tải theo hướng tuyến là rất cần thiết, đảm bảo trật tự an ninh trên mỗi địa bàn, đặc biệt góp phần đảm bảo giảm ùn tắc giao thông. Hoạt động giao thông tại Hà Nội và các địa phương đều rất tốt. Các địa phương đều đề nghị Hiệp hội báo cáo lên Bộ GTVT nên giữ quy định về hướng tuyến.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc NXB GTVT cho hay, việc mở thêm các tuyến vận tải mới, đáp ứng nhu cầu của người dân là thiết. Các tiêu chí phải rõ ràng, minh bạch. Như trường hợp với tuyến đi Sapa, đây là điểm du lịch thu hút lượng khách du lịch cao thì cần thí điểm, mở thêm các tuyến vận tải mới để “chia lửa” là cần thiết. Cũng cần đặc biệt lưu ý, việc mở tuyến sẽ dễ tạo ra tiền lệ, một nơi thí điểm sẽ có thêm nhiều nơi muốn mở theo kiểu “trăm hoa đua nở” vì bài toán lợi nhuận. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi cơ quan chức năng quản lý chặt, phải có kiểm tra, kiểm soát, có sự giải thích rõ ràng vì sao thí điểm. Việc thí điểm đến khi nào, phải có báo cáo từng giai đoạn để thấy được hiệu quả hay bất cập cần khắc phục, đảm bảo hiệu quả cao nhất của tuyến vận tải.

Sắp xếp luồng tuyến vận tải: Tránh thí điểm kiểu
Sở GTVT cho rằng, trong quá trình thí điểm cần giám sát xem doanh nghiệp chạy đúng với biểu đồ chạy xe không.

Dưới góc nhìn của cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT đặt vấn đề: Nếu các đơn vị khác cũng xin thí điểm giống như thế này thì sao? Ông Thuỷ đề nghị Sở GTVT Hà Nội cần rà soát lại công suất của các Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm xem năng lực thực tế bến xe có thể đáp ứng tới đâu, để nếu có đơn vị khác xin thí điểm thì sẽ đáp ứng được thêm bao nhiêu chuyến. Việc thí điểm phải có cách quản lý khác thế nào so với bình thường.

Theo điều kiện kinh doanh, các đơn vị phải đáp ứng những điều kiện nào mới được cho phép. Để làm điều đó, Sở GTVT Hà Nội phải rà soát công suất đáp ứng của bến xe cho thí điểm, từ đó, đưa ra những quy định về luồng tuyến. Cơ quan quản lý phải có giám sát thường xuyên, xem doanh nghiệp có chạy đúng biểu đồ hay không, chạy đúng tuyến hay không, nếu vi phạm phải cho dừng ngay. Khi có đơn vị thí điểm hoạt động sẽ có các đơn vị khác hoạt động trá hình. Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cho rằng,  Sở GTVT phải có định hướng giám sát và quản lý phù hợp. Thực hiện tốt điều này hay không sẽ phụ thuộc vào công tác phối hợp chặt chẽ giữa Sở GTVT, bến xe, cũng như thông tin công khai minh bạch về việc thí điểm.

Doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, sẽ được yêu cầu dừng ngay

Trước những băn khoăn nói trên, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, khi làm thí điểm, thực hiện một hoạt động đột phá phục vụ người dân thì phải cân nhắc, lựa chọn. Sapa là điểm du lịch thu hút người dân, phương tiện di chuyển lên đây rất nhiều. Việc sử dụng xe vận tải liên tỉnh cũng là phương tiện giao thông công cộng nên khi có hướng tuyến và phát triển tốt vận tải liên tỉnh cũng sẽ góp phần giúp giảm xe cá nhân. Đề xuất thí điểm trên xuất phát từ một đơn vị cụ thể nên rõ ràng đơn vị đó đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Sắp xếp luồng tuyến vận tải: Tránh thí điểm kiểu
Sẽ không có chuyện phân hướng tuyến xe vận tải khách đi đường Vành đai 3
vào Bến xe Mỹ Đình.

Khi làm thí điểm, phải có thời gian thực hiện nhất định khoảng 6 tháng - 1 năm. Trong thời gian đó, nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, chạy xuyên tâm, sang Mai Dịch, hay đi vào giờ cao điểm, Sở GTVT Hà Nội sẽ yêu cầu dừng ngay. “Còn về điều kiện, chúng tôi không đặt ra điều kiện kinh doanh với các đơn vị tham gia bởi họ vốn phải thỏa mãn điều kiện của Nghị định 10 khi tham gia kinh doanh vận tải”, ông Tuyển nói. Ngoài ra,  ông này cho hay, đối với các tuyến vận tải liên tỉnh, khi đăng ký tham gia, trên cơ sở quy hoạch được 2 địa phương thống nhất báo cáo Bộ GTVT, các đơn vị đủ điều kiện sẽ đăng ký tham gia trên cổng dịch vụ công điện tử trên nguyên tắc ai đăng ký tham gia trước sẽ được công nhận trước. Trong hoạt động thí điểm này, Sở sẽ phối hợp với Lào Cai để đánh giá số lượng phương tiện; nếu còn sẽ cho phép đơn vị khác thực hiện.

Về ý kiến xe từ phía Nam ra muốn thí điểm về bến xe Mỹ Đình có được không, ở góc độ cơ quan tham mưu, Sở GTVT Hà Nội có thể trả lời ngay: Vành đai 3 trước đây địa giới hành chính là vành đai của Hà Nội nên hướng tuyến đi các tỉnh phía Nam có thể đi qua. Nhưng nay khi thành phố mở rộng, đường vành đai 3 trở thành đường xuyên tâm của Hà Nội, do đó không có chuyện xe vận tải khách đi vào đường Vành đai 3 vào bến xe Mỹ Đình. Còn hướng đi qua đường cầu Thăng Long, Sở phải xem xét tình hình ùn tắc giao thông, dựa vào lưu lượng giao thông.

Trục đường Phạm Văn Đồng thường xuyên xảy ra ùn tắc nên không có cơ sở để đề xuất hướng tuyến. “Một lần nữa, xin nhắc lại, khi cân nhắc đề xuất thí điểm, chúng tôi yêu cầu phải hội tụ đủ yếu tố: Phù hợp công tác tổ chức giao thông của thành phố, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, không đi xuyên tâm gây ùn tắc giao thông”, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội thẳng thắn nói.

Phạm Huyền
.
.
.