Quảng Bình đóng các lối đi, đường ngang tự phát băng qua đường sắt

Thứ Tư, 17/05/2023, 14:15

Tuyến đường sắt chạy qua địa bàn Quảng Bình dài 174,5 km, hiện có 140 đường ngang dân sinh băng qua đường sắt, tuy nhiên, chỉ có 75 đường ngang hợp pháp (có gác chắn và người gác), 149 lối đi tự mở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Ngày 17/5, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị đang phối hợp với Công ty Cổ phần Đường sắt Quảng Bình tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành và thống nhất triển khai đóng các lối đi tự mở qua đường sắt tại Km 421+640, Km 422+270, Km 431+920, Km 431+975 thuộc địa phận xã Kim Hóa; Km 643+220 thuộc địa phận xã Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa); Km 476+995 thuộc địa phận xã Quảng Trung (thị xã Ba Đồn); Km 510+790 thuộc địa phận xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch)…đồng thời kiến nghị, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đóng tất cả lối đi, đường ngang tự phát băng qua đường sắt để đề phòng, hạn chế tai nạn cho người tham gia giao thông, đảm bảo an toàn chạy tàu trên tuyến.

Đóng hơn 200 lối đi, đường ngang tự phát băng qua đường sắt -0
Lực lượng chức năng ở Quảng Bình phối hợp để đóng các đường ngang, lối mở tự phát băng qua đường sắt. 

Được biết, đối với các lối đi, đường ngang tự mở, cơ quan chức năng sẽ đóng các thành tà vẹt bê tông ngăn lối đi. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên toàn tuyến đường sắt qua Quảng Bình hiện có 140 đường ngang dân sinh băng qua đường sắt nhưng chỉ có 75 đường ngang hợp pháp (có gác chắn và người gác), 149 lối đi tự mở.

Đóng hơn 200 lối đi, đường ngang tự phát băng qua đường sắt -0
Cơ quan chức năng dùng các thanh tà vẹt bê tông để đóng chắn ngang các lối đi tự mở, đề phòng tai nạn cho người tham gia giao thông. 

Các lối đi tự mở giao cắt với đường sắt được hình thành từ rất lâu, trong đó có nhiều tuyến đường độc đạo người dân tự mở để đi lại thuận tiện trong sinh hoạt, hay băng ra đồng lao động, sản xuất… Vì vậy, vừa đóng các lối mở, nhưng cơ quan chức năng cũng đang tính toán để tìm hướng tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại.

Sông Lam-Lam Hồng
.
.
.