Phục vụ bà con về quê ăn Tết nhưng phải kiểm soát COVID-19
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị toàn quốc về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cũng đã phê bình các địa phương còn chưa coi trọng vấn đề an toàn giao thông (ATGT).
Phê bình các thành viên Ủy ban ATGT, các lãnh đạo địa phương “trốn họp”
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác ATGT diễn ra ngày 6/1, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã phê bình 10 thành viên (4 người có lý do) của Ủy ban ATGT Quốc gia và lãnh đạo 6 tỉnh đã vắng mặt. Phó Thủ tưởng thường trực Phạm Bình Minh chia sẻ, dù đầu năm rất nhiều việc, Quốc hội cũng đang họp, song chúng ta vẫn nỗ lực cố gắng tổ chức Hội nghị để thấy tầm quan trọng của vấn đề ATGT năm 2022.
“Cuộc họp hôm nay chỉ có 12/22 thành viên trong Ủy ban ATGT Quốc gia tham dự, còn lại 10 đồng chí vắng mặt, trong đó chỉ có 4 người có lý do. Tôi phê bình các đồng chí vắng mặt không lý do. Trong số 63 tỉnh, thành, cũng có tới 6 tỉnh thành vắng mặt lãnh đạo UBND tỉnh như Yên Bái, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bình Phước, Tiền Giang, Đồng Tháp. Các đồng chí cần hết sức rút kinh nghiệm. Đây là hội nghị tổng kết một năm một lần, việc tham gia là hết sức quan trọng. Nếu chúng ta không tham dự tức là chưa đánh giá cao vấn đề ATGT vì từ đầu năm phải đưa ra giải pháp để có phương hướng thực hiện cả năm", Phó Thủ tướng nói.
Nhìn lại năm 2021, số vụ TNGT giảm cả 3 tiêu chí, tuy nhiên, vẫn còn 11.495 vụ, gần 40 vụ/ngày/toàn quốc, 5.799 người tử vong. Lần đầu tiên giảm 1 nửa song đây vẫn là con số lớn. Ngay trong sớm ngày 6/1, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2022 với mục tiêu là tiếp tục kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí so với năm 2021. Đây là nhiệm vụ nặng nề, khi năm 2022, xã hội quay trở lại trạng thái bình thường mới, vận tải hành khách, hàng hóa tăng cao, đi kèm với đó là các vấn đề đảm bảo ATGT cũng khó khăn hơn.
“Đối với các thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, trước tiên là Bộ Công an cần tăng cường đôn đốc thực hiện kết luận 45 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 18. Đặc biệt là kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực hiệu quả của Ủy ban ATGT Quốc gia cũng như Ban ATGT các tỉnh, thành phố”, Phó Thủ tướng chỉ đạo. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và Công an tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Giao thông đường bộ và Luật Đảm bảo ATGT. Trong đó, quan tâm những vấn đề đảm bảo ATGT cả 5 lĩnh vực.
Trong hai Luật này, cần chú trọng đề cập đến việc tăng cường giáo dục giao thông trong các trường đại học, phổ thông. Đây là việc quan trọng giúp nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông ngay từ trẻ đến trưởng thành. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải đảm bảo chất lượng đầu tư kết cấu các dự án trọng điểm. Thời điểm hiện nay chúng ta đã được phân bổ nguồn lực trong xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông. Đồng thời, cần quan tâm xử lý các điểm đen TNGT, đây chính là nơi gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng phương tiện GTVT, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn phương tiện. Đối với công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật ATGT và phòng, chống dịch bệnh trong giao thông. "Năm 2022, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục cần nỗ lực kéo giảm 3 tiêu chí về TNGT xuống mức thấp hơn nữa. Năm 2022, nếu TNGT tăng cao thì nhiệm vụ của Ủy ban ATGT Quốc gia cũng như Ban ATGT các tỉnh, thành phố là không hoàn thành nhiệm vụ", Phó Thủ tướng nói. Ông cũng yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy.
Vi phạm giao thông còn phức tạp
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, mặc dù năm 2021, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ TNGT, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với 12 tháng năm 2020, số vụ TNGT giảm 3.496 vụ (-23,32%), số người chết giảm 1.068 người (-15,55%), số người bị thương giảm 3.143 người (-28,16%).
Số người tử vong vì tai nạn lần đầu tiên giảm giảm xuống dưới 6.000 người, song thời gian qua còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội; xe khách, xe tải chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, chở quá tải trọng, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, làn đường, đi môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm còn phổ biến. Tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ ra là do một bộ phận người dân còn thiếu kiến thức, kỹ năng về ATGT; còn không ít người cố ý vi phạm quy định pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt là trong 2 tháng đầu năm 2021, do tâm lý cho rằng lực lượng chức năng phải phân tán lực lượng để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.
Nhắc đến vấn đề đảm bảo ATGT từ nay đến Tết Nguyên đán, người đứng đầu Bộ GTVT cho rằng, vui xuân, đón Tết, ngành giao thông sẽ đảm bảo mỗi người dân đều được về quê đón Tết. “Chúng ta phải xây dựng kế hoạch phục vụ Tết an toàn. Có nhiều khách không đến bến xe, nhà ga như công ty, thì vận tải nên tổ chức các chuyến xe đón ngay tại công ty, để tránh việc đổ dồn ra đường, ra bến xe, tránh ùn tắc.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, để đúng 30 Tết đảm bảo toàn bộ người dân được về quê. Phục vụ bà con về quê nhưng phải đảm bảo phòng, chống COVID-19 hiệu quả, nếu không làm tốt chống dịch, qua Tết rất dễ dịch bùng phát”, ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đồng thời khẳng định sẽ tăng cường các đoàn kiểm tra đột xuất các nhà ga, bến xe và đề nghị lực lượng công an mở nhiều đợt cao điểm tuần tra kiểm soát tập trung vào việc dùng chất kích thích, lái xe ẩu…
Thông tin tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, tính đến ngày 14/12/2021, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã xử lý 2.884.855 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 2.808 tỷ 625 triệu đồng, tước 248.667 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 460.085 phương tiện các loại. So với năm 2020, xử lý giảm 796.613 trường hợp (-21,64%), tiền phạt giảm 478 tỷ 576 triệu đồng (-14,56%). Cụ thể: Đường bộ xử lý 2.776.242 trường hợp, phạt tiền 2.704 tỷ 503 triệu đồng. Trong đó, có 161.324 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 5,81%); 1.802 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,06%); 35.592 trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 1,28%); 9.891 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện (chiếm 0,36); 83.448 trường hợp vi phạm làn đường, phần đường (chiếm 3,01%); 252.936 trường hợp chạy quá tốc độ quy định (chiếm 9,11%). Đường sắt: xử lý 8.075 trường hợp, phạt tiền 4 tỷ 099 triệu đồng. Đường thủy: xử lý 100.538 trường hợp, phạt tiền 100 tỷ 023 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, CSGT Công an các đơn vị, địa phương cũng đã bố trí lực lượng tại 2.962 chốt, với 4.734 cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dịch trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, khoảng 5.000 chốt, với hơn 20.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia các chốt tại cơ sở để phân luồng, hướng dẫn giao thông.