Phối hợp liên ngành để dẹp xe khách trá hình ngoài bến
Hàng chục năm qua, thành phố Hồ Chí Minh đã để tình trạng "xe dù, bến cóc", xe hợp đồng trá hình hoành hành tại nhiều khu vực nội thành. Đang có cả chục nghìn đầu xe khách liên tỉnh các loại hoạt động bên ngoài các bến xe ở TP Hồ Chí Minh.
Ông Hoàng Duy Kha, Giám đốc HTX Vận tải Đông Bắc bức xúc: Xe "dù", xe hợp đồng trá hình đã tràn lan toàn thành phố. Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông Vận tải (GTVT) khó có thể đủ nhân lực để bắt được hết. Các đơn vị vận tải khách liên tỉnh hoạt động trong bến xe sống không nổi, hiện mỗi đơn vị chỉ còn một vài chục đầu xe.
Đại diện Công ty Kumho Samco Buslines cho rằng, quy định pháp luật đã đủ để xử lý xe hợp đồng trá hình không vào bến. Chỉ cần các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp liên ngành là sẽ kiểm tra được ngay, nhất là khi đã có quy định bao nhiêu phần trăm không đón khách ở một điểm cố định, không tổ chức bán vé…
Vấn đề quan trọng nữa để kiểm soát xe hợp đồng trá hình là thuế. Với lợi thế là tự khai báo thuế, xe tuyến cố định không có khách vẫn phải xuất bến, nhưng xe hợp đồng trá hình thì không có khách là họ không chạy. Ít nhất phải đủ chi phí cho chuyến xe, các nhà xe hợp đồng trá hình mới chạy. Vì vậy kiểm soát chặt các chuyến xe hợp đồng về thuế cũng là cách để dẹp xe trá hình ngoài bến.
Điều này không khó là khi trên xe đã có camera và hình ảnh về số lượng khách được chuyển về Cục Đường bộ liên tục. Đối với những xe không thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương, Bộ GTVT cần chủ trì để xử lý quyết liệt. Chỉ cần lập đoàn thanh tra liên ngành chừng hơn chục người đi kiểm tra các doanh nghiệp lớn trước, xe hợp đồng trá hình, xe khách không vào bến sẽ giảm.
Đại diện một doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh góp ý rằng, cần cho phép các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động ở Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới được thuê quầy vé, tổ chức bán vé cho khách ngay tại BXMĐ cũ. Về xe trung chuyển khách miễn phí giữa BXMĐ cũ và khu vực nội thành ra bến mới, đại diện một số đơn vị vận tải khách cũng đề nghị cho thu phí đối với hành khách từ các hãng xe. Sau đó phải đầu tư xe lớn, chứ xe 16 chỗ ngồi hiện nay là không phù hợp. Xe trung chuyển loại nhỏ sẽ không đủ chỗ để hành lý.
Việc thí điểm tuyến xe đưa đón khách từ sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) về Vũng Tàu cũng gây không ít bức xúc cho doanh nghiệp vận tải khách. Đại diện Công ty Kumho Samco Buslines đặt ra một loạt câu hỏi với ngành GTVT: Mục đích cho mở tuyến xe buýt này là để chở khách từ sân bay TSN về Vũng Tàu và ngược lại, nhưng tại sao lại còn bố trí các điểm đón, trả khách dọc đường để nhà xe lên xuống khách? Họ đi sân bay nhưng sao còn cho phép chạy vào các tuyến trung tâm thành phố?
Thí điểm xong nếu tốt thì phải nhân rộng, nếu như vậy sau này sẽ nhân rộng thêm một loạt các tuyến đưa đón khách từ sân bay TSN đi Đồng Nai, đi Bình Dương, Tây Ninh... và các tỉnh không có sân bay, như vậy thì liệu có nên bỏ BXMĐ để chuyển bến xe khách liên tỉnh này về sân bay TSN hay không? Đại diện doanh nghiệp này cho rằng, ngay từ đầu đã thấy mô hình này là không hợp lý nhưng cơ quan quản lý tuyến vẫn cho thí điểm. Việc này góp phần gây thêm hỗn loạn.
Một lãnh đạo hãng xe khách Thuận Thảo thắc mắc, từ thành phố Hồ Chí Minh về Phú Yên có 2 lộ trình chạy xe là Bến xe Tuy Hòa - BXMĐ mới và bến xe Sông Hinh - BXMĐ cũ. Xe khách từ thành phố về Phú Yên sẽ không ai chạy tuyến QL14, nhưng vẫn có một số doanh nghiệp vận tải, nhà xe được phép chạy trên lộ trình qua QL14 với mục đích được vào BXMĐ cũ đón, trả khách. Cấp 2 lộ trình tuyến cho doanh nghiệp vận tải chở khách từ thành phố Hồ Chí Minh đi Phú Yên như vậy là không công bằng với các đơn vị đang hoạt động ở BXMĐ mới.
Trên dọc tuyến QL13, một loạt nhà xe bỏ bến ra ngoài mở điểm trung chuyển khách, dù đã nói nhiều nhưng không được xử lý. Tình trạng này khiến mỗi chuyến xe của các doanh nghiệp vận tải hoạt động trong bến khi khởi hành chỉ còn vài người. Bị xe ngoài bến giật hết khách, không đủ chi phí hoạt động đã khiến các doanh nghiệp vận tải trong bến lâm vào cảnh tuyệt vọng.
Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cần khẩn trương vào cuộc một cách quyết liệt để cứu các doanh nghiệp vận tải khách.