Phát triển đường cao tốc để thúc đẩy tăng trưởng cho đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Tư, 01/06/2022, 07:09

Thông tin tại hội thảo chuyên đề về phát triển đường cao tốc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày 31/5, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định, ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Đây là một trong những vùng kinh tế trọng điểm với nhiều tiềm năng và lợi thế, nhất là về nông nghiệp, thủy hải sản và du lịch.

Dù vậy, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng đánh giá, tính kết nối nội vùng, giữa vùng với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ còn hạn chế. Mà một trong những nguyên nhân quan trọng là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho ĐBSCL, Bộ GTVT đã quy hoạch phát triển nhiều loại hình giao thông cho khu vực. Trong đó riêng đường cao tốc đến năm 2050 toàn vùng ĐBSCL có khoảng 1.180km. Trước mắt từ nay đến năm 2030 khu vực này sẽ có khoảng 760km, gồm những tuyến đang được khởi động như Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…

“Nhu cầu vốn để hoàn thành hệ thống cao tốc khu vực ĐBSCL những năm tới sẽ rất lớn. Ngoài ngân sách Trung ương, huy động nguồn lực xã hội, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua cần ưu tiên, phân bổ ngân sách địa phương, đồng thời trực tiếp quản lý, thực hiện đầu tư các tuyến cao tốc qua địa bàn”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị.

Phát triển đường cao tốc để thúc đẩy tăng trưởng cho đồng bằng sông Cửu Long -0
Điểm đầu của tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, đến nay ĐBSCL vẫn là “vùng trũng” của sự phát triển chung về kinh tế - xã hội. ĐBSCL với diện tích hơn 40.000km2, dân số đạt khoảng 19 triệu cùng nhiều tiềm năng, nhưng khu vực này vẫn chưa thể so sánh được với các vùng kinh tế phát triển khác trên cả nước.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo TS Trần Du Lịch là do hạ tầng giao thông còn yếu cơ cấu kinh tế thuần nông chuyển dịch chậm và nguồn nhân lực có vấn đề. ĐBSCL có nối kết chiến lược và lâu dài với khu vực Đông Nam bộ, nhưng trong suốt thời gian dài chỉ dựa vào quốc lộ 1. Hệ thống giao thông thủy cũng không được khai thác tối đa lợi thế.

Đặc biệt, yếu tố quyết định kết nối là đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ đã được đề xuất từ rất lâu nhưng chưa thể triển khai. Do đó TS Trần Du Lịch cho rằng khu vực này cần được tập trung xây dựng hệ thống cao tốc từ Châu Đốc, Cà Mau, Kiên Giang về Cần Thơ để hình thành các trục kinh tế, sau đó nối kết với TP Hồ Chí Minh bằng đường sắt. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cà Mau, Lâm Văn Bi cho biết, những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương cùng với nguồn lực địa phương, nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông qua địa bàn tỉnh Cà Mau đã và đang được đầu tư trong đó hệ thống quốc lộ đi qua tỉnh gồm quốc lộ 1, quốc lộ 63, đường hành lang ven biển phía Nam, quản lộ Phụng Hiệp, đường Hồ Chí Minh.

Hiện nay Bộ GTVT đang triển khai dự án tuyến tránh QL1 qua địa bàn TP Cà Mau và dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Tuy vây, hiện chiều dài đường cao tốc qua địa bàn tỉnh Cà Mau con hạn chế, chỉ đạt hơn 100km và đây là những điểm nghẽn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Theo ông Bi, đối với tỉnh Cà Mau, các tuyến quốc lộ 1, quốc “Bộ GTVT cần quan tâm đến việc đầu tư các tuyến đường kết nối cao tốc với hệ thống quốc lộ, các đô thị động lực, các trung tâm kinh tế để phát huy hiệu quả đầu tư, giúp Cà Mau đẩy mạnh thu hút đầu tư”, ông Bi kiến nghị.

Đ.Thắng
.
.
.