Phân làn trên đường Nguyễn Trãi: Nhiều bất cập, hiệu quả hạn chế
UBND TP Hà Nội đã chính thức cho phép Sở Giao thông Vận tải (GTVT) kéo dài thời gian thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi đến hết năm 2022. Ngày 28/9, ghi nhận thực tế trên dọc tuyến đường, phóng viên nhận thấy, buổi sáng tình trạng ùn tắc kéo dài đã không xảy ra, song ùn ứ ở một vài phân đoạn là có, nhưng buổi chiều thì người dân bất chấp biển báo, dải phân cách, tha hồ lao vào làn đường sai quy định.
Người dân di chuyển chật vật
Cho đến nay, hơn một tháng Sở GTVT thực hiện phương án thí điểm phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân). Tại đoạn thí điểm dài khoảng 1,5km này có 2 làn sát vỉa hè được dành cho xe máy, xe thô sơ và xe buýt hoạt động; 3-4 làn sát dải phân cách dành cho xe ôtô hoạt động. Những ngày đầu, lực lượng chức năng còn đứng chốt để hướng dẫn cho người dân. Thế nhưng, trong sáng 28/9, trên dọc tuyến đường phân làn ở cả hai chiều, phóng viên không hề thấy hình ảnh lực lượng thanh tra đứng chốt. Do đó, tại các điểm đầu cuối dải phân cách có biển báo phân làn bắt buộc nhưng hầu như không ai để ý. Xe buýt, xe máy, ôtô ra - vào giữa các làn đường không theo biển báo, chưa kể nhiều xe còn cố tình đi ngược chiều.
Anh Phạm Dân (phường Mộ Lao, Hà Đông) ngày nào cũng đi làm trên tuyến đường này chia sẻ, dù thành phố đã thực hiện thí điểm phân làn phương tiện nhưng việc đi lại trên tuyến mới chỉ thuận lợi vào các khung giờ bình thường. Vào các khung giờ cao điểm, người dân di chuyển vẫn khá chật vật. Ngay trong sáng 28/9, anh phải mất tới 30 phút để di chuyển quãng đường khoảng 1km từ nút giao Vũ Trọng Phụng - Nguyễn Trãi đến Ngã Tư Sở. Nhiều người dân sống hai bên đường cho hay, sự thực giao thông trên tuyến Nguyễn Trãi khó có thể cải thiện vì lưu lượng phương tiện đông gấp nhiều lần so với khả năng "phục vụ" của tuyến đường. Chính bởi lẽ đó, người dân dường như không quen với việc đi đúng làn. Chỗ nào thoáng là cho xe chạy vào, kể cả vỉa hè.
Mới đây, báo cáo về kết quả 1 tháng thí điểm, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, tình hình giao thông trên tuyến đường đã có cải thiện, đặc biệt vào khung giờ cao điểm từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở và ngược lại, giảm ùn ứ giao thông trên tuyến và các phương tiện lưu thông đã trật tự hơn. Một bộ phận người tham gia giao thông đã có ý thức đi đúng làn đường. Xe buýt lưu thông ổn định hơn so với trước khi phân làn. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận, vẫn còn tình trạng ùn ứ giao thông trong giờ cao điểm, đặc biệt là khu vực giao với đường Khương Đình (sau ga Thượng Đình của tuyến đường sắt đô thị) và đầu cầu vượt Ngã Tư Sở vào giờ cao điểm sáng. Vào giờ cao điểm chiều ùn ứ tại các khu vực như: Điểm quay đầu khu đô thị Royal City, nút giao Vũ Trọng Phụng - Nguyễn Trãi, điểm quay đầu gần nút Nguyễn Tuân - Nguyễn Trãi…
Chỉ khi nào áp dụng chính thức mới xử phạt phân làn
Chiều 28/9, trao đổi nhanh với phóng viên, ông Cao Văn Hiệp-Phó Chánh thanh tra (Ban Thanh Tra Giao thông vận tải-Sở GTVT Hà Nội) cho hay, hiện mỗi ngày vào khung giờ cao điểm sáng (7-9h), chiều từ (17h-19h), lực lượng thanh tra vẫn cử người đứng các chốt để hướng dẫn người dân lưu thông. Khi phóng viên phản ánh tình hình sáng 28/9 vắng bóng lực lượng thanh tra, ông Hiệp chỉ nói rằng sẽ kiểm tra lại.Vị này cũng thừa nhận, lưu lượng phương tiện trên tuyến đường quá lớn. Để giải quyết triệt để nạn ùn tắc thì rất khó. Lực lượng chức năng đang cố gắng có giải pháp giúp người dân lưu thông thông thoáng hơn. Liên quan đến việc Hà Nội đề xuất xử phạt người dân lưu thông sai làn, ông Hiệp cho rằng, thanh tra giao thông chỉ có thể xử phạt được xe ôtô kinh doanh vận tải dừng đỗ sai quy định, còn những phương tiện đi sai làn là thuộc chức năng của Cảnh sát giao thông (CSGT). "Tuy nhiên, chỉ khi nào tuyến đường này chính thức áp dụng phân làn thì các lực lượng chức năng mới vào cuộc xử lý", ông Hiệp nhấn mạnh.
Cùng ngày, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cũng cho biết, trên thực tế, lỗi đi sai làn đường đã có quy định xử phạt. Tuy nhiên, tuỳ từng tuyến đường, thời điểm phù hợp lực lượng chức năng sẽ xử lý. Với tuyến đường Nguyễn Trãi, do đang trong quá trình thí điểm phân làn bằng dải phân cách cứng, trước mắt lực lượng CSGT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân, để người dân nâng cao ý thức, dần dần hình thành thói quen lưu thông đúng làn.
Thực tế, đề xuất phân làn cứng không phải lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội. Trước đây, thành phố từng 4 lần tổ chức phân làn ôtô, xe máy: Năm 2003 trên tuyến Kim Mã, năm 2006 trên tuyến Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt, năm 2009 trên tuyến Giải Phóng, năm 2011 trên một loạt tuyến phố (Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt, Xã Ðàn, Giải Phóng, Phố Huế, Bà Triệu, Nguyễn Trãi,…). Kết quả sau đó đều thất bại, tiêu tốn hàng tỷ đồng. Lần thí điểm này, ngay sau khi lắp đặt dải phân cách cứng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng không cần thiết, không hiệu quả. Các chuyên gia cho rằng, dù là thí điểm nhưng việc phân làn cũng cần làm triệt để, nếu không sẽ dẫn đến những đánh giá thiếu khách quan, chính xác. Nếu đã muốn làm, Hà Nội không thể rụt rè, phải tính toán lắp đặt dải phân cách liên tục trên toàn tuyến mới thấy rõ kết quả vận hành của cả mạng lưới giao thông trên tuyến.
- Xe ôtô, các loại xe tương tự xe ôtô đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều): Phạt tiền từ 4.000.000 đồng - 6.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng (điểm đ, khoản 5 Điều 5, điểm b Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019, điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 12.000.000 đồng. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng (điểm a, khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019, điểm c Khoản 11 Điều 5).
- Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện): Đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều): Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng (điểm g khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019).
Đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông: Phạt tiền từ 4.000.000 - 5.000.000 triệu đồng. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng (điểm b khoản 7, điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019).