Nỗi lo thiếu hụt, chậm cung ứng vật liệu
Liên quan đến tiến độ cấp mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhìn nhận còn khá chậm.
Bộ này cũng bày tỏ quan ngại, khối lượng cát cần lấy từ các mỏ mới là rất lớn và chủ yếu phục vụ cho công tác xử lý nền đất yếu, trong khi mùa mưa, lũ đã đến gần, nếu không khai thác được ngay sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ, kế hoạch triển khai thi công của các nhà thầu.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương hoàn thành thủ tục xác nhận Bản đăng ký khối lượng khai thác (bản đăng ký) đối với 69 mỏ đã trình trong tháng 7/2023; thành lập Tổ công tác tổ chức thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất; giao chỉ tiêu cung cấp vật liệu cát đắp.
"Song, việc triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu", lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh. Dẫn chứng cụ thể, các địa phương mới xác nhận bản đăng ký của 42/69 mỏ các nhà thầu trình. Trong số 42 mỏ được xác nhận bản đăng ký, các nhà thầu mới khai thác được 15 mỏ. Còn 27 mỏ đã trình các cơ quan nhưng chưa được chấp thuận.
Trong đó, Quảng Bình có 3 mỏ đất, Quảng Trị có 5 mỏ đất, Quảng Ngãi 8 mỏ đất và 2 mỏ cát, Bình Định 4 mỏ đất và 2 mỏ cát, Phú Yên có 1 mỏ đất (mới trình) và 1 mỏ cát, Khánh Hòa 1 mỏ đất. Các mỏ chưa khai thác, chưa xác nhận bản đăng ký chủ yếu do việc thương thảo với chủ sở hữu đất về giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; một số mỏ phải thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất.
Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, theo Bộ GTVT, tỉnh An Giang đã quyết định bố trí 1,1 triệu m3 cát cho dự án Cần Thơ - Cà Mau từ 4 mỏ đang khai thác nhưng đến nay các nhà thầu mới ký hợp đồng được 2/4 mỏ, còn 2 mỏ chưa ký hợp đồng… Tại tỉnh Vĩnh Long, nhu cầu vật liệu cát cần bố trí phục vụ dự án khoảng 5 mỏ để đáp ứng trữ lượng 5 triệu m3.
Hiện nay, địa phương mới giao 2 mỏ cho các nhà thầu nhưng chưa hoàn thành thủ tục để khai thác, chưa có chủ trương giao nhà thầu 3 mỏ còn lại. Tỉnh Đồng Tháp dự kiến tăng công suất mỏ đang khai thác để tiếp tục bố trí cho dự án 0,5 triệu m3, song, hiện tại chưa hoàn thành thủ tục. Với 6 mỏ đã cấp cho các nhà thầu, việc triển khai các thủ tục để khai thác chưa hoàn thành nên chưa thể khai thác được.
Nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu, bảo đảm tiến độ triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 theo đúng lộ trình đề ra, Bộ GTVT đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành lập các tổ công tác thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định; có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, "ép giá", đầu cơ đất khu vực mỏ. Đối với 27 mỏ đã được địa phương xác nhận bản đăng ký, cần hoàn thành thủ tục để khai thác trong tháng 8/2023 và phấn đấu khai thác được 27 mỏ đã trình địa phương xác nhận bản đăng ký trong tháng 9/2023.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2023, Bộ GTVT đã có báo cáo tổng hợp sau đợt kiểm tra hiện trường các khu vực mỏ và làm việc trực tiếp với các địa phương. Theo báo cáo, các dự án thành phần đoạn từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cần hơn 17 triệu m3 đá, chủ yếu lấy từ các mỏ đang khai thác với tổng công suất khai thác khoảng gần 9,6 triệu m3/năm.
Công suất khai thác hiện nay của các mỏ cơ bản đáp ứng. Về vật liệu cát, tổng nhu cầu cần gần 9,7 triệu m3. Trong đó, hơn 4 triệu m3 được sử dụng từ 82 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng hơn 11 triệu m3. Tổng công suất khai thác khoảng 1,7 triệu m3/năm. Còn lại gần 5,4 triệu m3 được sử dụng từ 16 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng hơn 10 triệu m3. Đối với các mỏ đang khai thác, công suất các mỏ trên địa bàn một số tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Riêng các mỏ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên (sử dụng xử lý nền đất yếu) và một số mỏ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã hết hạn thời gian khai thác, tạm dừng khai thác, chưa đáp ứng do còn cung cấp cho các dự án của địa phương.
Các chủ đầu tư, nhà thầu đang phối với với chủ mỏ và các cơ quan chức năng của địa phương kiến nghị UBND các tỉnh nâng công suất 39 mỏ, gia hạn giấy phép 5 mỏ để đảm bảo đủ nhu cầu cho các dự án thành phần đoạn qua địa bàn tỉnh (Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh; Vân Phong - Nha Trang).
Với mỏ mới giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù, đến nay, các nhà thầu đã trình 13/16 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác với tổng trữ lượng hơn 5,6 triệu m3. UBND các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 2/13 mỏ cho các nhà thầu với tổng trữ lượng hơn 1 triệu m3.
Tuy nhiên, hiện các nhà thầu chưa khai thác được cát do các địa phương đang điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hoàn thiện thủ tục thuê đất. Đối với vật liệu đất, theo tính toán, tổng nhu cầu các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cần hơn 47 triệu m3. Trong đó, hơn 5 triệu m3 được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng hơn 8,5 triệu m3, tổng công suất khai thác khoảng 2,54 triệu m3/năm. Gần 42 triệu m3 còn lại được sử dụng từ 71 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng hơn 61 triệu m3.