Nhức nhối vi phạm trông giữ xe ở Hà Nội: “Ngại” công khai danh sách đã xử phạt
Hà Nội đang thiếu điểm trông giữ xe. Điều này là không thể phủ nhận. Thế nhưng không vì thiếu mà cứ để tình trạng “chặt chém” hay bãi đỗ xe tự phát mọc ra. Nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông thì vai trò cũng như sự quyết liệt của cơ quan chức năng vào cuộc là vô cùng quan trọng. Thế nhưng, liệu cho đến thời điểm này cơ quan chức năng quản lý vấn đề giao thông tại Hà Nội đã vào cuộc đến đâu, đã đủ “nóng” hay chưa vẫn còn bỏ ngỏ?
Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đỗ xe
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, hiện nay tổng số phương tiện đăng ký trên địa bàn thành phố Hà Nội là gần 8 triệu phương tiện (chưa kể số lượng phương tiện của các cơ quan Trung ương, ngoại giao, tỉnh, thành phố khác đang hoạt động trên địa bàn). Do vậy, nhu cầu đỗ xe của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội là rất lớn.
Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách để giảm tình trạng ùn tắc giao thông nói chung, đáp ứng nhu cầu đỗ xe nói riêng của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh chóng; tốc độ gia tăng phương tiện xe cá nhân tăng cao hơn tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện tổng diện tích các điểm, bãi đỗ xe mới chỉ chiếm 0,12% diện tích các quận nội thành, đáp ứng chỗ đỗ cho khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe (còn lại gần 90% số phương tiện có nhu cầu đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, tại các khu đất trống của dự án…).
Do vậy, tình hình trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng trong thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt trong thời gian diễn ra các dịp lễ, Tết, các sự kiện thể thao, văn hoá, phố đi bộ Hồ Gươm…
Lãnh đạo Sở GTVT cũng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT thường xuyên phối hợp với các lực lượng thuộc Công an thành phố, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động trông giữ xe trên địa bàn nhưng vẫn còn các trường hợp trông giữ xe không phép, trái phép.
Khi hỏi về số điểm trông giữ xe mà Sở GTVT đã cấp, ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại. Sở GTVT đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông, giữ xe tại 206 vị trí trên các tuyến đường, phố với diện tích 36.542,9m2. Các vị trí được cấp phép đảm bảo đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Vị này cũng bày tỏ khó khăn mà đơn vị quản lý đang phải đối mặt là công tác triển khai thực hiện quy hoạch các dự án bến xe, bãi đỗ xe chưa đạt hiệu quả, khả năng đáp ứng chỗ đỗ xe trong các khu đô thị, khu dân cư mới không đảm bảo nên tình hình trông giữ xe ô tô, xe máy trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội thành vẫn còn tình trạng các phương tiện đỗ trái phép. Dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng khi vắng mặt các lực lượng chức năng thì tình trạng đó lại xuất hiện.
Lãnh đạo Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông cũng thông tin thêm, do nhu cầu đỗ xe trên địa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực nội thành là rất lớn trong khi diện tích dành cho giao thông tĩnh chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. “Vì vậy, việc hình thành các bãi trông giữ xe trái phép, sai phép có rất nhiều nguyên nhân. Mức xử phạt hành chính thấp chỉ là một trong những nguyên nhân đó. Để giải quyết triệt để tình trạng trên đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan, từ các quy định của pháp luật, các quy hoạch đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong đó xử phạt chỉ là một trong các giải pháp”, phía Sở GTVT nhấn mạnh.
Vi phạm tăng gấp 3 nhưng không công bố
Năm 2021, riêng thanh tra giao thông Hà Nội đã xử lý hơn 200 trường hợp liên quan đến vi phạm trông giữ xe. Song từ đầu năm 2022 đến nay, số vi phạm mà thanh tra sở xử lý được đã lên tới con số 683 trường hợp, gấp hơn 3 lần của năm trước. Số điểm trông giữ xe vi phạm đang ngày một gia tăng. Lãnh đạo Sở GTVT cũng chỉ ra vấn đề chỉ khi các lực lượng chức năng cùng vào cuộc thì mới mong sớm dẹp nạn trông xe trái phép, quá giá.
Nhưng điều kỳ lạ là khi phóng viên đặt vấn đề công khai danh sách các điểm trông giữ xe trái phép, vi phạm nhiều lần trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm công bố, để người dân cùng vào cuộc giám sát thì từ Thanh tra giao thông vận tải đến Sở GTVT đều “im lặng”. Gặng hỏi nhiều lần, một cán bộ phòng tham mưu Ban thanh tra giao thông (Sở GTVT) cho hay “chúng tôi chỉ cung cấp được tổng số vi phạm. Còn danh sách địa điểm vi phạm không cung cấp được. Đơn vị chỉ biết báo cáo vào Sở”.
Khi phóng viên quay lại ngỏ ý xin lãnh đạo Sở cung cấp danh sách này, điều mà phóng viên báo CAND nhận được cũng là sự “im lặng”. Dù danh sách các đơn vị vi phạm không nằm trong những quy định cấm cung cấp với báo chí, song không hiểu sao lại được sở ban ngành “giấu kỹ” như vậy? Liệu có điều gì mập mờ phía sau danh sách các đơn vị vi phạm?
Theo một số chuyên gia giao thông, việc để tồn tại các bãi giữ xe trái phép, vi phạm là do cơ quan chức năng chưa xử thật nghiêm. Nếu hình thức xử phạt hành chính nhẹ thì cần năng mức phạt. Cùng đó, các đơn vị vi phạm cần được công khai trên báo chí để người dân cùng tham gia giám sát, kịp thời báo với cơ quan chức năng nếu cơ sở đó tái phạm. Không khó gì việc xử lý nghiêm, quan trọng là cơ quan chức năng có quyết liệt và làm mạnh hay không mà thôi. Nhưng ngay cả việc danh sách vi phạm mà cũng không thể công bố cung cấp công khai thì mong sao xử lý tận gốc vấn đề.