Nhiều tuyến đường Thủ đô ùn tắc trở lại ngày đầu nới lỏng giãn cách

Thứ Tư, 22/09/2021, 07:48

Ngày 21/9, trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 22/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, đường phố Hà Nội nhộn nhịp trở lại; các tuyến đường nội đô mật độ giao thông tăng cao do người dân không phải sử dụng giấy đi đường khi tham gia giao thông.

Đường phố tấp nập

Theo ghi nhận của phóng viên, vào khung giờ cao điểm 6h30-9h sáng 21/9, tại các trục đường Võ Văn Kiệt lên cầu Thăng Long vào Thủ đô, đường Võ Chí Công, An Dương Vương lên cầu Nhật Tân để đi các huyện ngoại thành và sân bay Nội Bài nhộn nhịp phương tiện qua lại do các chốt ở khu vực này đã được dỡ bỏ. Còn tại các tuyến đường như Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng, Hồ Tùng Mậu, Ngã Tư Sở, Trường Chinh..., lưu lượng giao thông đông hơn vào các giờ cao điểm buổi sáng. Tại một số nút giao chờ đèn tín hiệu giao thông cũng đã xuất hiện tình trạng ùn tắc. Tại chốt kiểm soát cửa ngõ khu vực cầu Phù Đổng, đại diện Đội CSGT số 7 cho biết, mật độ phương tiện sáng nay gia tăng so với ngày chưa nới lỏng giãn cách. Tuy nhiên, khu vực kiểm dịch không xuất hiện dấu hiệu ùn tắc.

Tuy nhiên, tại cửa ngõ phía Nam trong ngày đầu Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, lưu lượng phương tiện cá nhân tăng mạnh. Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ liên tục xuất hiện tình trạng ùn ứ, kéo dài khoảng 200m. Nguyên nhân của tình trạng này là do những người đi xe cá nhân ra khỏi ngoại thành phải dừng lại để thực hiện xuất trình giấy tờ theo quy định như: Giấy đi đường, giấy xét nghiệm âm tính COVID-19. Một số lái xe đến điểm chốt mới thực hiện khai báo y tế trên nền tảng điện tử của Bộ Công an, thời gian khai báo một lượt mất đến cả chục phút. Ở chiều ngược lại, trong buổi sáng, hai làn tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ được lực lượng chức năng mở ra phục vụ các phương tiện lưu thông. Trong đó, xe vận chuyển hàng hóa có mã QR luồng xanh được lưu thông xuyên suốt trên một làn. Làn còn lại, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát, điều tiết phương tiện cá nhân vào khu vực kiểm tra y tế trước khi di chuyển vào trung tâm thành phố.

Thời điểm 10h, lưu lượng phương tiện di chuyển hướng về trung tâm Thủ đô bất ngờ tăng cao, một số xe cá nhân lại đi sai làn quy định khiến giao thông tại trạm BOT Pháp Vân ùn ứ. Lúc này, làn xe thứ 3 tại trạm BOT tiếp tục được mở ra để các xe hàng hóa lưu thông. Theo một cán bộ Thanh tra giao thông, phương án mở thêm làn giải phóng phương tiện được lực lượng chức năng dự liệu trước, đặc biệt trong ngày Hà Nội nới lỏng giãn cách.

1.jpg -0
Nhiều tuyến đường đông đúc trở lại vào sáng 21/9.

Tiếp tục duy trì 55 chốt kiểm soát dịch

Thực hiện Chỉ thị 22/CT-UBND, Công an TP Hà Nội tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát ra, vào thành phố; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa, di chuyển của người dân đảm bảo thông suốt trong thực hiện và an toàn phòng, chống dịch COVID-19; không quy định thêm các các quy định cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân và phục vụ sản xuất; tránh ùn tắc giao thông.

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP dự kiến thu hẹp các chốt kiểm soát dịch ra vào thành phố đang thực hiện. Cụ thể, trong giai đoạn tiếp theo, duy trì 55 chốt trên địa bàn thành phố, trong đó có 22 chốt tại quốc lộ ra, vào thành phố, 33 chốt tại các đường ngang, lối mở giáp ranh với các tỉnh lân cận (trước đó là 23 chốt của các tuyến quốc lộ, 44 chốt đường ngang, lối mở). Đặc biệt, trong quá trình triển khai các chốt kiểm soát dịch ra vào thành phố từ ngày 24/7 đến nay, Công an TP Hà Nội đánh giá các chốt kiểm soát cơ bản đã ngăn chặn sự xâm lấn dịch bệnh vào thành phố, kiểm soát được phương tiện ra vào. Vì vậy, giai đoạn tiếp theo cần duy trì các chốt kiểm soát để bảo vệ thành quả chống dịch.

Thời gian tới, Công an TP tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để triển khai việc quét mã QR tại các chốt kiểm soát; trong kiểm soát người vào thành phố chú trọng khai báo y tế, xét nghiệm và các yếu tố dịch tễ. Ngoài ra, Công an TP tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phân luồng từ trước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện quy định phòng, chống dịch COVID-19, sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.

Người ra, vào Hà Nội cần chuẩn bị những giấy tờ gì?

Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn, Đội CSGT số 5 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), chỉ huy chốt số 8 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông tin, hiện chốt kiểm soát theo quy định: Người ra vào thành phố phải có giấy đi đường, giấy tờ tùy thân và giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính. Giấy đi đường ở đây được hiểu là giấy xác nhận công việc, lý do để vào/ra khỏi Hà Nội. Như trường hợp ra, vào thành phố vì lý do công vụ, phòng, chống dịch bệnh, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia thì phải có các loại giấy tờ chứng minh việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Như đối với cán bộ, nhân viên, người lao động có địa chỉ thường trú tại Hà Nội, nhưng làm việc trên địa bàn tỉnh, thành phố khác (ví dụ Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang...) thì khi qua chốt kiểm soát cả chiều đi lẫn chiều về đều phải xuất trình giấy xác nhận là của đơn vị đang công tác (nơi làm việc); đồng thời phải có giấy đi đường của xã/phường tại Hà Nội (nơi cư trú) ghi rõ lộ trình từ nơi cư trú tới nơi làm việc. Những trường hợp này chỉ cần test nhanh là qua chốt.

Đối với bệnh nhân vào Hà Nội khám chữa bệnh và xuất viện ra khỏi Hà Nội thì phải xuất trình hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện, lịch trình vào, ra; địa điểm xuất phát, nơi đến để kiểm soát quá trình tham gia lưu thông trên địa bàn thành phố. Những trường hợp này cũng chỉ cần test nhanh là qua chốt. Còn đối với người đi vào Hà Nội thăm con ốm, chăm người nhà bệnh nhân thì cần giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú về sự việc đó, và khi qua chốt cần test nhanh. Riêng đối với người ở tỉnh, thành phố khác đưa, đón bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP; lễ tang; đi sân bay Nội Bài để công tác (kể cả người đưa đón) cần xuất trình giấy xét nghiệm PCR âm tính, giấy tờ tùy thân, hộ chiếu, vé máy bay.

Còn theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, riêng với người về từ các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, theo quy định phải được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố xem xét, đồng ý bằng văn bản trước khi di chuyển vào thành phố.

Phạm Huyền - Ngọc Yến
.
.
.