Nhiều quốc gia cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển giao thông xanh

Thứ Năm, 22/08/2024, 06:17

Đó là thông tin được đưa ra tại tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư", do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức diễn ra ngày 21/8. Buổi toạ đàm còn thu hút đại diện của nhiều quốc gia từng thành công trong việc phát triển giao thông xanh, tham dự và chia sẻ kinh nghiệm.

Phát triển giao thông xanh là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế xanh

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876 ngày 2/7/2022 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí mêtan của ngành GTVT, với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, nhằm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Chương trình hành động đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho 5 chuyên ngành GTVT quốc gia và giao thông đô thị, bao gồm: Phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hoá, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và năng lượng xanh. Trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông xanh, Bộ GTVT đã xây dựng được tuyến đường sắt đô thị, triển khai được hàng trăm xe buýt điện, hàng chục nghìn ôtô điện, xe máy điện đang vận hành.

Nhiều quốc gia cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển giao thông xanh -0
Hà Nội đã có lộ trình chuyển đổi xe buýt điện, năng lượng xanh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận so với mục tiêu đặt ra thì đây mới là kết quả bước đầu, còn khiêm tốn, cần tiếp tục cố gắng, giành nguồn lực, các chính sách để khuyến khích người dân, doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất và sử dụng phương tiện. Đây là vấn đề rất quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đầy thách thức. "Phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh. Do đó cần sự hỗ trợ rất lớn của quốc tế, không chỉ về vấn đề tài chính mà còn là kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi chính sách. Từ đó, áp dụng vào Việt Nam sao cho phù hợp với đặc thù trong nước và đặc thù của từng lĩnh vực ngành", lãnh đạo ngành GTVT nhìn nhận.

Cùng bày tỏ ý kiến, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, nhu cầu phát triển giao thông rất lớn, trong đó hạ tầng mới đề cập trạm sạc; còn hạ tầng bến cảng, sân bay, đường sắt chưa được nêu ra. "Việc huy động nguồn lực để đưa về Net Zero như cam kết là thách thức rất lớn. Như vậy, có nên xem xét lại chủ trương, định hướng về thu hút nguồn lực không? Hệ thống luật pháp cần điều chỉnh thế nào để thu hút nguồn lực?...", ông Đông đặt vấn đề. Đồng thời, cho rằng cần khai thông để huy động nguồn lực quốc tế. Các đối tác đã có cam kết, sẵn sàng nhưng nước ta phải tiếp cận, sử dụng hiệu quả trên cơ sở đáp ứng điều kiện nhất định, làm sao để thu hút tư nhân tham gia vào thế mạnh của họ như chuyển đổi phương tiện, năng lượng… kết hợp các nguồn lực mới đạt được mục tiêu.

Cần có cơ chế hấp dẫn để thu hút nguồn lực

Tại buổi tọa đàm, đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế đều cam kết hỗ trợ Việt Nam không chỉ về tài chính mà bằng cả những kinh nghiệm thực tiễn trong việc giảm khí nhà kính và chuyển đổi phương tiện xanh, năng lượng xanh của ngành giao thông. Ông Jin Saeun, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Hợp tác và phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) tại Hà Nội cho biết, với các dự án đường sắt và đường bộ, Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm tới xây dựng hạ tầng giao thông xanh. "EDCF và Hàn Quốc cam kết hỗ trợ hết mình để Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050", ông Jin Saeun khẳng định.

Cùng tham dự, ông Kanzo Nakai, Giám đốc giao thông ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) cho biết: ADB cũng đã thực hiện nhiều dự án, chương trình để phát triển giao thông công cộng, giảm phát thải ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, việc phát triển xe buýt điện được xem có cơ hội lớn. Xe buýt điện hiện đại, sạch và không gây tiếng ồn, chi phí tương đối thấp và triển khai trong thời gian ngắn so với tàu điện. Đồng thời, xe buýt điện có thể bổ sung cho tàu điện dưới dạng hệ thống trung chuyển hoặc hoạt động như dịch vụ vận tải chính ở các thành phố nhỏ hơn nhằm đem lại dịch vụ vận tải tốt hơn… Tuy nhiên, có một số thách thức khi chuyển sang sử dụng xe buýt điện trong vận tải hành khách công cộng. Bởi quãng đường di chuyển của xe ngắn phụ thuộc dung lượng pin, cơ sở hạ tầng sạc ảnh hưởng đến thời gian tiếp năng lượng hay vị trí và không gian kho bãi đáp ứng số lượng xe buýt và cơ sở hạ tầng sạc hạn chế.

Chốt lại bài phát biểu, đại diện của ADB bày tỏ: "ADB sẽ tham gia hỗ trợ cho các dự án xe buýt điện, cho chính phủ vay đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật, chính sách. Trong đó, ADB sẽ hỗ trợ xây dựng khung chính sách, lộ trình chuyển đổi, ưu đãi/ quy định để từ đó nghiên cứu khả thi, thiết kế kế hoạch hoạt động và kinh doanh…".

Không chỉ có ADB, mà Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cam kết mạnh mẽ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ xanh. Các tổ chức này mong muốn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng về tài chính, đầu tư để tạo nên nền giao thông xanh bền vững cho Việt Nam.

Ba kịch bản giảm phát thải ròng về "0" tại Việt Nam

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết có 3 kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải đến năm 2050 theo hướng phát thải ròng về 0 được đưa ra, gồm kịch bản phát triển giao thông vận tải theo hướng phát thải thông thường; kịch bản quốc gia tự thực hiện giảm phát thải bằng nguồn lực trong nước và kịch bản hướng tới phát thải ròng bằng 0 có sự hỗ trợ của quốc tế.

Các kịch bản này sử dụng 4 giải pháp chính gồm: sử dụng năng lượng hiệu quả, chuyển đổi phương tiện cá nhân sang công cộng, chuyển đổi vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, chuyển đổi nhiên liệu/năng lượng. Từ đó, ông Lê Anh Tuấn đề xuất chương trình chuyển đổi phương tiện giao thông điện cấp quốc gia với 3 giai đoạn gồm khởi động (2024-2030), tăng trưởng nhanh (2030-2040) và giai đoạn tăng trưởng ổn định (2040-2050) với các giải pháp chủ đạo riêng để đạt được các mục tiêu cụ thể đó là xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển xe điện; tuyên tuyền, nâng cao nhận thức; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng lưới điện đáp ứng lộ trình chuyển đổi; tăng cường hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ; cơ chế huy động nguồn lực và phân bổ vốn đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với chuyển đổi năng lượng xanh trong giao thông...

Phạm Huyền
.
.
.