Nhiều doanh nghiệp vận tải tăng giá cước

Thứ Bảy, 18/06/2022, 07:49

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh tăng 11 đợt. Không chịu nổi chi phí xăng dầu tăng nên nhiều doanh nghiệp vận tải đã phải điều chỉnh tăng giá cước dù việc tăng này có thể khiến họ "mất khách".

Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), đến nay có khoảng 80 - 90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng giá cước vận tải để bù đắp chi phí nhiên liệu với mức tăng từ 10 - 15%. Giá cước vận tải hàng hóa cũng được điều chỉnh tăng từ 7 - 10%.

4-2.jpg -0
Trước sức ép tăng giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp vận tải lo "phá sản".

Cụ thể, tại Hải Dương, từ ngày 1 - 15/6, đã có 8 đơn vị báo cáo tăng giá cước, vé vận tải hành khách, trong đó có 6 hãng taxi gồm: CP Vận tải Rạng Đông, CP Vận tải Trường Sinh, TNHH một thành viên Mai Linh Hải Dương, TNHH Viễn Du chi nhánh Hải Dương; Doanh nghiệp Sản xuất và Dịch vụ Hương Nguyên, Chi nhánh HTX Hòa Bình Xanh tại Hải Dương với mức tăng giá cước khác nhau. Cụ thể, taxi Rạng Đông tăng từ 12.300 đồng/km lên 13.300 đồng/km từ km thứ 0,6 - 20, tăng từ 10.100 đồng/km lên 11.100 đồng/km từ km thứ 20 trở đi đối với tất cả các xe cỡ nhỏ. Taxi Mai Linh tăng từ 12.400 đồng/km lên 13.400 đồng/km từ km thứ 0,6 - 20, tăng từ 10.100 đồng/km lên 11.100 đồng/km từ km thứ 21 trở đi đối với tất cả các dòng xe 4 chỗ...

Phần lớn doanh nghiệp đều tăng giá cước taxi từ 8 - 10% đối với các dòng xe tính theo từ 0,6km đầu trở đi. Các doanh nghiệp còn lại như Công ty TNHH Huy Hoàng tăng giá vé xe buýt tuyến 209 (bến xe Hải Dương-Thái Bình) từ 60.000 đồng/lượt lên 70.000 đồng/lượt; Công ty CP Thương mại và vận chuyển hành khách Ngọc Sinh tăng giá vé tuyến cố định bến xe Hải Dương - Gia Lâm từ 30.000 đồng/lượt lên 50.000 đồng/lượt.

Tại Nghệ An, ông Nguyễn Sỹ Thắng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Nghệ An cho biết: Việc giá xăng, dầu tăng cao thời gian qua ảnh hưởng rất lớn đến vận tải hàng hóa và vận tải hành khách. Tính đến ngày 15/6 đã có 15 doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh điều chỉnh giá cước sau biến động xăng dầu tăng giá. Việc các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước được thực hiện theo Thông tư 233/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, trước khi điều chỉnh phải có tờ trình và được Sở Tài chính chấp thuận.

Bên cạnh đó, đại diện Phòng Vận tải Sở GTVT - XD Lào Cai cũng bày tỏ, nhiều hãng xe trên địa bàn đã đề xuất tăng giá cước vận tải. Các tuyến vận tải hành khách cố định cũng đã tăng giá vé như tuyến Hà Nội - Lào Cai, hãng xe Sao Việt cũng đã điều chỉnh thêm 50.000 đồng/vé (tăng 20% so với giá cũ), giá vé hiện tại 280.000 đồng. Ông Đỗ Văn Bằng, chủ hãng xe Sao Việt cho biết, giá xăng dầu chiếm gần 40% chi phí vận tải nên nếu xăng tăng giá (đến nay đã đạt gần 32.000 đồng/lít) mà doanh nghiệp không điều chỉnh giá vé, có thể sẽ phá sản. Hiện doanh nghiệp cũng đang cố gắng xoay xở, tiết kiệm chi phí vận hành bằng cách giảm số lượng xe chạy chỉ còn duy trì 50% tổng số xe, dồn chuyến sao cho mỗi xe khi xuất bến phải có được lượng khách đạt từ 50-60% ghế trên xe mới không bị lỗ. Tuy nhiên, nếu giá xăng tiếp tục tăng, e rằng không thể trụ nổi. Từ đây, đại diện hãng xe Sao Việt kiến nghị được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế nhập khẩu và không áp thuế bảo vệ môi trường.

Tương tự, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cũng kiến nghị Liên bộ Công thương - Tài chính cần vào cuộc, đề xuất với Chính phủ quyết định cho doanh nghiệp tạm ngưng đóng quỹ bảo vệ môi trường. Cũng theo ông Hùng, Nhà nước, doanh nghiệp phải cùng đóng góp vào quỹ bình ổn giá với người dân. Hiện nay, chỉ có người dân tham gia đóng góp quỹ này bằng việc đóng 300 đồng/lít xăng. Tất cả phải chung tay mới kiểm soát được giá xăng dầu, nếu không kiểm soát được, các mặt hàng khác tăng theo, lạm phát sẽ là điều tất yếu.

Đặng Nhật
.
.
.