Mở lại vận tải khách đường bộ liên tỉnh từ 13/10:

Nhiều doanh nghiệp và hành khách đều e dè

Thứ Ba, 12/10/2021, 10:00

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành quy định tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh. Quy định mới của Bộ GTVT áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ ngày 13/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021.

Sau một thời gian thực hiện, Bộ GTVT sẽ đánh giá và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế giai đoạn tiếp theo. Thay vì vui mừng, nhiều doanh nghiệp, người dân lại tỏ ra e ngại vì các điều kiện cách ly.

vnpxe_khach.jpg -0
Nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn “nằm im” chờ chỉ đạo từ các Sở GTVT.

Chỉ được hoạt động 30% số chuyến trong 7 ngày

Trong thời gian thí điểm, doanh nghiệp vận tải thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm). Đối với các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.

Bộ GTVT đề nghị các địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người về địa phương theo quy định của Bộ Y tế và quy định cụ thể của từng địa phương, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch (được công bố tại trang thông tin điện tử Bộ Y tế).

Trường hợp phát hiện hành khách có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính thì triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định. Các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch đón, trả hành khách bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR và bố trí vị trí để lực lượng chức năng tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 kháng nguyên nhanh; bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng. Bên cạnh đó có khu vực bán vé, phòng chờ (đối với bến xe), nơi hành khách lên, xuống phương tiện bảo đảm giãn cách và các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

Quy định của Bộ GTVT cũng nêu rõ, hành khách khi đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID, hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19).

Đồng thời, hành khách phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ôtô. Bên cạnh đó tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng".

Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vaccine theo quy định của Bộ Y tế khi đi cùng người thân trên chuyến xe phải đáp ứng các quy định nêu trên. Trường hợp hành khách đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương/khu vực có nguy cơ cao hơn ngoài việc phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế thì phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ôtô và thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và từng địa phương nơi đến.

Ngoài ra, hành khách phải kê khai thông tin vào danh sách hành khách đi xe theo hướng dẫn của lái xe hoặc nhân viên phục vụ trên xe. Khi ở trên phương tiện hành khách phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc.

Chưa vội chạy xe

Chiều 11/10, trao đổi nhanh với phóng viên, Giám đốc Công ty CP vận tải và thương mại dịch vụ Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải cho biết, kế hoạch cho vận tải khách hoạt động lại từ 13/10 mới chỉ là của Bộ GTVT. Hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa lên kế hoạch chạy lại xe vì nhiều lý do.

Thứ nhất là đơn vị quản lý chủ quản của tỉnh, ở đây là Sở GTVT Hải Phòng chưa có phương án cho xe khách chạy lại và nhiều địa phương khác cũng vậy. Mà muốn chạy xe phải được sự chấp thuận của hai đầu bến. Thứ hai, quy định cho xe chạy 30% số chuyến cũng làm khó doanh nghiệp. Việc phòng, chống dịch là quan trọng hàng đầu tại thời điểm này, nhưng nếu chỉ chạy 30%-50% lượng khách thì doanh nghiệp không đủ bù lỗ chi phí. Thứ ba, yêu cầu cách ly với khách khiến nhiều người cũng ngại di chuyển. Nên nếu có chạy xe, mà khách không đi, thì cũng chỉ lỗ mà thôi.

Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Vận Tải Sao Việt bày tỏ: “Cho đến thời điểm này, mỗi ngày doanh nghiệp vẫn có hàng trăm xe nằm bãi. Chi phí phải bỏ ra để duy trì hoạt động nằm chờ ngày được chạy xe là không thể tính nổi. Thế nên khi có thông tin Bô GTVT cho vận tải đường bộ hoạt động trở lại, chúng tôi rất mừng. Song, niềm vui chưa được bao lâu, khi đọc các quy định ràng buộc, chúng tôi hiểu rằng, sẽ rất khó để chạy được xe”.

Vị Giám đốc này thẳng thắn: Bộ ban hành quy định mới, song đơn vị quản lý doanh nghiệp vận tải lại là các Sở GTVT các đầu tuyến, mà đến nay chưa có Sở nào ban hành quy định cho chạy lại xe, nên doanh nghiệp cũng đành “nằm im” chờ tiếp. Kể cả sau này, nếu được chạy, mà áp quy định lượng khách, thì doanh nghiệp cũng còn phải tính toán từ từ, xem có nên hoạt động hay không. Đấy là chưa nói đến việc, nhiều tỉnh yêu cầu khách xét nghiệm tới 3 lần, cách ly tới 21 ngày, thì khách nào dám đi. Hay như việc yêu cầu khách phải có “hộ chiếu xanh”, nhưng ngoài khách Hà Nội và Hồ Chí Minh ra, thì không phải tỉnh nào người dân cũng được tiêm đủ vaccine rồi, nên nếu muốn đi cũng khó.

Nhìn nhận dưới góc độ chuyên gia, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho hay, nếu các tỉnh thành quá thận trọng, không mở vận tải khách thì không thể sống chung với dịch như chỉ đạo của Chính phủ và làm đứt đoạn chuỗi sản xuất, ảnh hưởng công việc của người dân.

Ông Liên cho rằng, tình hình dịch bệnh ở Hà Nội cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 là hơn 90%. Đây là lượng người tham gia giao thông chính. Trong bối cảnh này, thành phố nên cho phép xe buýt nội đô, xe khách liên tỉnh hoạt động, áp dụng quy định phòng dịch với bến xe, người lái, người phục vụ và hành khách theo hướng dẫn của Bộ GTVT. Xe khách liên tỉnh không được dừng đỗ tại địa bàn có dịch.

Đặng Nhật
.
.
.