Nhiều địa phương không còn "gây khó" cho doanh nghiệp vận tải

Thứ Hai, 06/09/2021, 07:52

Chỉ trong thời gian ngắn từ đầu tháng 9 đến nay, nhiều  văn bản "đốc thúc" đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi tới một số địa phương, yêu cầu rà soát lại các thủ tục, văn bản mà tỉnh đã ban hành có nội dung "gây khó" cho doanh nghiệp vận tải nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động hàng hoá được lưu thông nhanh chóng và an toàn.

Điều đáng mừng, ngay sau khi nhận được yêu cầu rà soát, nhiều địa phương đã có động thái tháo gỡ khó khăn…

Ngày 5/9, sau 2 ngày thành phố Cần Thơ chính thức áp dụng các quy định mới trong việc kiểm soát dịch đối với các phương tiện vận chuyển hàng hoá trên địa bàn thành phố, đa phần doanh nghiệp vận tải vui mừng phản ánh: Thủ tục đã đơn giản hơn rất nhiều. Việc tăng cường biện pháp quản lý con người cụ thể là các tài xế, thay vì quản lý phương tiện như trước đây tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển hàng hoá.

Một lái xe thông tin thêm, 2 hai ngày qua tại các chốt kiểm soát dịch và điểm tập kết, giao nhận, trung chuyển hàng hóa trên địa bàn TP Cần Thơ, giao thông tại đây khá thông thoáng, không còn xảy ra tình trạng phương tiện ùn ứ chờ làm thủ tục. Không cần phải đăng ký trước, sang hàng hoặc đổi tài xế, các xe vận chuyển hàng hóa lưu thông vào thành phố Cần Thơ chỉ mất từ 3-5 phút làm thủ tục.

Trước đó, trên các diễn đàn mạng, lái xe liên tục phản ánh về việc TP Cần Thơ ra quy định các phương tiện khi đến đây giao nhận hàng phải đăng ký trước và đổi tài hoặc sang hàng. Thậm chí, các xe luồng xanh đi giao hàng ở nơi khác, chỉ quá cảnh qua Cần Thơ cũng buộc phải thực hiện các quy định này. Việc này đã dẫn đến tình trạng Bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ (một trong những điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa) xảy ra tình trạng ùn ứ do phải chờ làm thủ tục trong nhiều ngày liên tiếp.

Nhiều địa phương không còn
Lực lượng Công an kiểm tra phương tiện tại chốt phòng, chống dịch COVID-19.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề nghị TP Cần Thơ phải xử lý ngay, không được gây khó khăn cho hoạt động lưu thông hàng hóa. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát lại các văn bản địa phương đã ban hành, văn bản nào trái với chỉ đạo của Chính phủ hoặc không trái nhưng làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, "giấy phép con" thì phải dừng áp dụng.

Trong một diễn biến khác, chiều 4/9, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã liên tiếp ký các công văn gửi tới tỉnh Trà Vinh, Kom Tum. Cụ thể, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tại văn bản số 3787 ngày 30-8, văn bản số 3838 ngày 1/9 của UBND tỉnh Trà Vinh có quy định: "Chỉ cho phương tiện cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hóa trong địa bàn tỉnh đã được cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh vận tải và phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng để phục vụ thi công các công trình được phép thi công".

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, nội dung này là chưa đồng bộ với quy định hiện hành, đề nghị tỉnh Trà Vinh rà soát lại. Nói thêm về văn bản của tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động vận tải vận chuyển hàng hóa. Trong đó có quy định cụ thể đối với xe có thẻ nhận diện luồng xanh. Còn đối với xe không nhận diện luồng xanh vẫn phải kiểm soát và cho đi bình thường.

Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Trà Vinh ban hành văn bản chỉ cho phép phương tiện cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu đã được cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh, trừ phương tiện vật liệu xây dựng đã vô tình khống chế loại hàng được vận chuyển. "Vấn đề ở đây tất cả hàng hóa đều là hàng thiết yếu hết, trừ hàng cấm. Đã có doanh nghiệp phản ánh mặc dù xe có luồng xanh, nhưng trong văn bản chỉ được phép cho như vậy thôi, người ta chở hàng khác thì lực lượng họ không cho", ông Thành cho biết thêm.

Còn tại tỉnh Kom Tum, văn bản ký chiều 4/9 là văn bản thứ hai trong tháng, lãnh đạo Tổng cục ký gửi tới tỉnh để  "đốc thúc" vấn đề rà soát văn bản có nội dung chưa nhất quán. Trước đó, ngày 2/9, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản đề nghị Kon Tum hỗ trợ vận tải hàng hoá, thực hiện đúng các quy định, quy trình kiểm soát vận tải phòng dịch COVID-19, đặc biệt xe luồng xanh. Tuy nhiên, đến trưa 4/9, các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn không chấp nhận xét nghiệm nhanh (test nhanh) cho lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa. Nguyên nhân là do quy định của tỉnh này không chấp nhận kết quả xét nghiệm test nhanh COVID-19 trong 72 giờ (chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR); yêu cầu đổi tài, xe trung chuyển khi vào tỉnh...

Chiều 4/9, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Kon Tum rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi nhận được văn bản "thúc" lần 2, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Kon Tum mới cho hay, từ 0h ngày 5/9, tỉnh sẽ áp dụng quy đinh mới. Theo đó, các chốt kiểm soát phương tiện sẽ chấp nhận người trên phương tiện chở hàng hóa lưu thông phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên trong thời gian 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.

UBND tỉnh Kon Tum thống nhất bỏ quy định trước đây: "Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính thì khử trùng phương tiện vận tải rồi đổi lái xe, phụ xe (đảm bảo yêu cầu 5K, chú ý giữ khoảng cách tiếp xúc trên 2m) vào tỉnh giao nhận hàng hóa; hoặc giao nhận hàng hóa tại chốt; hoặc nếu tại chốt lấy mẫu để chuyển đi xét nghiệm (người được xét nghiệm trả phí theo giá dịch vụ), chờ khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì được vào tỉnh giao nhận hàng hóa.

"Nếu các đơn vị có đăng ký trước các địa điểm tập kết hàng hoá trên địa bàn tỉnh Kon Tum thì yêu cầu các địa phương tăng cường cập nhật để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi trong chuyển hàng hoá", lãnh đạo Sở GTVT Kom Tum cho hay.

Tương tự, ngày 5/9, ông Dương Văn Ni, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Trà Vinh xác nhận, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã có công văn giao Sở phối hợp cùng các đơn vị chức năng có liên quan rà soát các văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đã ban hành chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Y tế về việc tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt trong tình hình dịch COVID-19. Đồng thời tham mưu và đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT.

Đặng Nhật
.
.
.