Nghiên cứu tích hợp chung một phần mềm cấp QR code
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, nếu triển khai được hệ thống phần mềm chung cấp mã QR code cho người lái và phương tiện sẽ tạo thuận lợi cho lái xe và đơn vị vận tải khi thực hiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa không phải khai báo nhiều lần với các thông tin trùng lặp, nhiều loại giấy tờ khác nhau.
Tại buổi giao ban trực tuyến hằng tuần với các bộ, ngành liên quan và 63 địa phương về công tác vận tải hàng hóa gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19, báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ, trong tuần qua, riêng ở khu vực phía Nam, Bộ GTVT đã khai thác hiệu quả hơn vận tải đường thủy nội địa để lưu thông hàng hóa đặc biệt là hàng nông sản.
Các phương tiện tàu cao tốc đã vận chuyển được 207 tấn hàng hóa, nông sản cung ứng cho TP Hồ Chí Minh, đã huy động thêm tàu hải quân để tham gia vận tải, dự kiến trong tuần sau sẽ nâng sản lượng vận chuyển qua đường thủy nội địa lên trên 1.000 tấn.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng xây dựng kế hoạch phối hợp, hỗ trợ tối đa về vận tải và tổ chức giao thông, có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn cho phương tiện lưu thông thuận lợi (Gia Lai, Cần Thơ, Cà Mau, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế).
Thống kê cho thấy, hiện nay, hệ thống cấp mã QR code đã cấp được cho 457.895 xe. Những vướng mắc khi chuyển sang hệ thống cấp mã tự động cũng đã được Viettel giải quyết và đã tổ chức tuyên truyền, thông tin rộng rãi hơn để doanh nghiệp và lái xe biết để thực hiện. Tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận vẫn còn một số vướng mắc nhất định tại một số ít địa phương về quy định thời hạn giấy xét nghiệm, công nhận test nhanh và PCR, hàng hóa được phép vận chuyển…
Để khắc phục triệt để tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ GTVT cần thống nhất quan điểm về “luồng xanh”. Hiện nay, chỉ trừ tuyến đường phải bắt buộc hạn chế để phòng, chống dịch còn lại tất cả đều là “luồng xanh”, quan điểm là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả hàng hóa (trừ hàng hóa cấm) được lưu thông phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, duy trì chuỗi sản xuất không để bị đứt gãy; tận dụng tối đa lợi thế của vận tải đường sắt, đường thủy nội địa và cả hàng hải để giảm tải áp lực cho vận tải đường bộ.
Ông Thể cũng yêu cầu việc triển khai phần mềm cấp QR code phải đảm bảo thông suốt, kịp thời, minh bạch và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực, trục lợi. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp tích cực cùng các cơ quan liên quan của Bộ Công an để nghiên cứu tích hợp, sử dụng chung một phần mềm cấp QR code đã triển khai để kê khai thông tin về người trên xe và phương tiện.
Ông nhấn mạnh, nếu triển khai được sẽ tạo điều kiện thống nhất trong quản lý, giám sát và xử lý vi phạm đồng thời tạo thuận lợi cho lái xe và đơn vị vận tải khi thực hiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa không phải khai báo nhiều lần với các thông tin trùng lặp, nhiều loại giấy tờ khác nhau, giảm bớt giấy tờ cho người trên phương tiện, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc truy vết khi có ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Hà Nội lên phương án huy động phương tiện dự phòng ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh COVID-19
Sở GTVT Hà Nội vừa lên phương án huy động phương tiện dự phòng ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh COVID-19. Theo đó, thành phố huy động dự phòng hơn 2.150 phương tiện, trong đó có hơn 1.010 xe tải và hơn 1.150 xe chở khách (bao gồm cả người lái) của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Cùng đó, Sở GTVT Hà Nội cũng dự phòng 100 xe tải vận chuyển trang thiết bị phục vụ y tế; 100 xe ôtô con loại 5 chỗ phục vụ vận chuyển mẫu sinh phẩm và đội phản ứng nhanh của CDC Hà Nội trong công tác truy vết; 90 xe tải vận chuyển oxy y tế. Để vận chuyển bệnh nhân F0 không triệu chứng, mức độ nhẹ và trung bình, dự kiến Hà Nội bố trí 350 xe ôtô, trong đó gồm 100 xe 5 chỗ ngồi và 250 xe buýt.
Hà Nội cũng dự kiến sử dụng 170 xe ôtô để vận chuyển bệnh nhân F0 nặng cần thở oxy. Còn những bệnh nhân F0 rất nặng cần thở máy xâm nhập, bệnh nhân nguy kịch và ECMO, sẽ đề nghị Sở Y tế sử dụng xe cứu thương chuyên dụng.
Để vận chuyển lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, trường hợp điều phối hàng hóa trên địa bàn thành phố sẽ dự phòng 450 xe tải các loại. Địa điểm tập kết dự phòng tại BX Mỹ Đình, BX Nước Ngầm, BX Sơn Tây, BX Yên Nghĩa, BX Gia Lâm hoặc các vị trí tập kết do Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã bố trí.