Nghiên cứu hai phương án thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư

Thứ Bảy, 22/06/2024, 08:15

Dự kiến ngày 26/6 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo Luật Đường bộ và Dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ. Hai dự thảo luật trên được tách từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Đáng chú ý, dự thảo luật bổ sung quy định thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác.

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, Cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn, tránh khoảng trống pháp lý khi luật có hiệu lực.

Về quy định thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, ông Thái cho hay, quan điểm nhất quán của Bộ Giao thông Vận tải là những tuyến cao tốc nào có chất lượng dịch vụ tương ứng với mức thu, mới triển khai thu phí. Đường cao tốc Nhà nước thu phí không phải vì lợi nhuận mà hoàn trả một phần kinh phí cho công tác bảo trì, duy tu tuyến đường, hoặc đầu tư đường cao tốc mới. Hiện, các tuyến cao tốc đã đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí tự động không dừng (ETC) nên khi triển khai sẽ tiến hành thu phí ETC luôn, không phải xây dựng thêm trạm.

Nghiên cứu hai phương án thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư -0
Nhiều tuyến cao tốc đã đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí tự động không dừng.

Ông Thái cũng chỉ ra có 2 hình thức thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm, phương án 1 là cơ quan quản lý tài sản là Cục Đường bộ Việt Nam tự tổ chức thu. Phương án 2 là đấu thầu hợp đồng kinh doanh-quản lý (hợp đồng O&M), nghĩa là Nhà nước bán bản quyền thu phí từ 5-10 năm và sẽ thu luôn được một khoản tiền mà nhà đầu tư chi trả trực tiếp. Nhà đầu tư thu phí và tiến hành bảo dưỡng, bảo trì luôn tuyến đường này sẽ góp phần đảm bảo hạ tầng mặt đường, các dịch vụ đi kèm. Tuy nhiên, phương án này chưa chắc đã đủ hấp dẫn để mời gọi nhà đầu tư vào tham gia đấu thầu vì có những đường ở vùng miền khó khăn.

Cục Đường bộ Việt Nam đã chuẩn bị các phương án, nếu tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm trên tinh thần cung cấp dịch vụ công đảm bảo tính liên tục cho người sử dụng. Về mức phí, Cục đã nghiên cứu các kịch bản, tính toán, làm sao đảm bảo cân bằng giữa dịch vụ cung cấp đến người sử dụng và mức thu. Các bước đi sẽ được tiến hành thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chi phí logistics.

Liên quan đến nguồn vốn bảo trì đường bộ, ông Thái cho biết, Cục Đường bộ Việt Nam phải tính toán, cân đo đong đếm sửa chữa dứt điểm từng vị trí hoặc đoạn đường nhằm đảm bảo “tuổi thọ” lâu dài. Nguồn thu của quỹ bảo trì đường bộ hiện nay Nhà nước chủ yếu thu trên đầu phương tiện. Muốn đủ nguồn vốn cho quỹ bảo trì thì mức thu trên đầu xe phải tăng 2-3 lần, nhưng vấn đề này sẽ tác động đến ngành khác, đặc biệt sẽ làm tăng chi phí logistics. Khi nguồn lực Nhà nước hạn hẹp, Cục Đường bộ Việt Nam cũng tính toán đến việc huy động vốn tư nhân. Hiện trên các tuyến quốc lộ có 63 dự án BOT nên nhà đầu tư phải bỏ chi phí để bảo trì tuyến đường thu phí…

Đặng Nhật
.
.
.