Mùng 4 Tết nhiều tai nạn nhất từ đầu kỳ nghỉ lễ

Thứ Tư, 25/01/2023, 18:57

26 vụ tai nạn giao thông trong ngày mùng 4 Tết khiến 34 người thương vong, đây là ngày xảy ra nhiều tai nạn nhất từ đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay.

Chiều 25/1, Cục CSGT cho biết, tình hình giao thông trên cả nước trong ngày mùng 4 Tết diễn ra tương đối nóng khi có tới 26 vụ tai nạn giao thông, làm chết 15 người và bị thương 19 người. Đây là ngày xảy ra nhiều tai nạn nhất từ đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay.

Các vụ tai nạn trên đều xảy ra trên đường bộ. Đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn.

Mùng 4 Tết nhiều tai nạn nhất từ đầu kỳ nghỉ lễ -0
Lực lượng CSGT và TTGT đảm bảo giao thông tại khu vực cửa ngõ ra vào thành phố.

Cũng theo Cục CSGT, trong ngày hôm nay, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường bộ tiếp tục được lực lượng CSGT thực hiện nghiêm. Qua đó phát hiện 3.300 trường hợp vi phạm; phạt tiền 6,45 tỷ đồng; tạm giữ 81 xe ô tô, 1.757 xe mô tô, 6 phương tiện khác; tước 729 giấy phép lái xe các loại.

Đặc biệt, trong số hơn 3.000 vi phạm bị xử lý có tới 1.414 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 1.288 trường hợp so với ngày cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2022 (tăng 1022,2%), 4 trường hợp dương tính với ma túy và 221 trường hợp vi phạm tốc độ, 6 trường hợp quá tải.

Mùng 4 Tết nhiều tai nạn nhất từ đầu kỳ nghỉ lễ -0
Vụ tai nạn xảy khoảng 7h ngày mùng 4 Tết (25/1), trên đường ĐT.718 đoạn qua xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận khiến hai vợ chồng đi xe máy tử vong.

Trên các tuyến đường cao tốc, lực lượng của Cục kiểm tra, lập biên bản 10 trường hợp vi phạm (trong đó vi phạm nồng độ cồn 3 trường hợp), phạt tiền 95,8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 8 trường hợp, tạm giữ 5 trường hợp. Phát hiện 207 trường hợp phương tiện vi phạm qua hệ thống giám sát và gửi thông báo đến các trường hợp vi phạm.

Về tình hình giao thông tại khu vực nội thành Hà Nội trong ngày hôm nay tương đối ổn định và thông thoáng, lưu lượng phương tiện vắng, khu vực cửa ngõ thành phố, tuyến Quốc lộ 3, 5; trên các tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, Hà Nội-Thái Nguyên, Hà Nội-Lào Cai, tuyến đường dẫn lên sân bay Nội Bài giao thông ổn định, không xảy ra tình trạng ùn tắc. Tuy nhiên, đến chiều tối cùng ngày, mật độ giao thông tại khu vực cửa ngõ đã tăng cao trở lại do người dân trở về Hà Nội sớm.

Do đã đánh giá tình hình từ sớm, lực lượng CSGT đã chủ động bố trí lực lượng, phương tiện thường trực, sẵn sàng phối hợp hướng dẫn phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông, đảm bảo giao thông di chuyển an toàn trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm và các tuyến cửa ngõ, xuyên tâm các thành phố, nhất là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Xử lý kiên quyết vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, không để xảy ra tình trạng nhồi nhét, chở quá số người quy định trên đường bộ và đường thủy.

Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 5 ngày nghỉ Tết, có 182 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về. 

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, 5 ngày nghỉ Tết có hơn 22.300 ca khám, cấp cứu tại nạn giao thông, tăng 10,1% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó gần 8.100 trường hợp phải nhập viện điều trị, 182 trường hợp tử vong. Riêng từ sáng mùng 3 đến sáng mùng 4 có 3 ca tử vong.

Đặc biệt, 5 ngày nghỉ Tết, số ca cấp cứu do tai nạn pháo hoa, pháo nổ tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái.

Mùng 4 Tết nhiều tai nạn nhất từ đầu kỳ nghỉ lễ -0
Một ca cấp cứu chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. 

Cụ thể, có 377 ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ, pháo hoa trong 5 ngày nghỉ Tết, tăng 52% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó, 260 ca phải nhập viện, tăng 108% so với cùng kỳ.

Cũng theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, trong 5 ngày nghỉ Tết, có 31 ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác (tăng 24%), 19 ca phải nhập viện, 2 ca tử vong.

Về tai nạn do đánh nhau cũng tăng mạnh, trung bình mỗi ngày có 500 ca khám, cấp cứu. Tổng cộng, sau 5 ngày nghỉ Tết, có 2.521 ca cấp cứu do đánh nhau, 43% trong số đó (1.073 ca) phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 9 trường hợp tử vong. 

Năm nay, số ca cấp cứu do ngộ độc thực phẩm tăng hơn so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Theo báo cáo, có 570 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa (tăng 20%) trong 5 ngày nghỉ Tết, có 4 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).

Riêng từ sáng mùng 3 đến sáng mùng 4, có 117 ca khám, cấp cứu rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn. Trong đó, 59 trường hợp được xác định là 1ngộ độc/say rượu, bia, một ca do ngộ độc thức ăn tự chế biến.

B.Châu- Trần Hằng
.
.
.