Mở đường bay quốc tế, khôi phục cuộc sống bình thường

Thứ Sáu, 17/12/2021, 08:18

Việt Nam sẽ mở lại đường bay quốc tế thường lệ theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 kết nối với 9 thị trường và giai đoạn 2 nâng lên 15 thị trường. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng đề xuất, không phân biệt hành khách vận chuyển theo quốc tịch khi nhập cảnh.

Tại tọa đàm về giải pháp mở lại các đường bay quốc tế, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vừa qua ngành hàng không đã ba lần xây dựng các kịch bản mở đường bay quốc tế. Theo kịch bản mới nhất, giai đoạn 1, Việt Nam sẽ mở 9 đường bay quốc tế với điểm đến là những thị trường truyền thống của các hãng hàng không Việt Nam cũng như của các hãng sở tại.

Cụ thể, 9 đường bay giữa Việt Nam - Bắc Kinh/Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles. Qua việc mở đường bay, kích thích nhu cầu đi lại của người dân từ các quốc gia, vùng lãnh thổ nêu trên tới Việt Nam một cách bình thường thay vì phải di chuyển, trung chuyển qua các địa bàn khác. Giai đoạn 2, thực hiện từ khi kết thúc giai đoạn 1, ngoài 9 thị trường nêu trên, ngành giao thông đề xuất mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur, HongKong, Paris, Frankfurt, Sydney và Moscow.

1.jpg -0
Hành khách trên một chuyến bay giải cứu của Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines.

"Sau đó, các cơ quan sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện để mở lại bình thường như thời điểm trước dịch", ông Cường nói và cho hay, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất tần suất bay lớn hơn những lần trước theo hiệu quả của việc kiểm soát dịch. Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính sẽ thuộc nhóm ưu tiên đi máy bay. Đây cũng là định hướng tạo điều kiện cho người Việt có nhu cầu về nước nước dịp cuối năm.

Ông Cường đánh giá, hiện 98% người dân trong nước được tiêm vaccine mũi 1; người tiêm đủ 2 mũi tỷ lệ cũng rất cao. Mở đường bay sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại, từng bước khôi phục cuộc sống bình thường. Ngoài ra, thời gian qua các hãng bay đã dày dạn kinh nghiệm khi bay giải cứu. Trong đó, có những chuyến cứu hộ người Việt ở châu Phi với toàn bộ người được đón về đều mắc COVID-19, nhưng các thành viên tổ bay không ai bị lây nhiễm.

Tại tọa đàm, các hãng hàng không đều cho biết sẵn sàng tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng đã chuẩn bị quy trình khai thác trở lại an toàn từ rất sớm, chuẩn bị đối tác cung ứng dịch vụ, lữ hành, cơ sở lưu trú và lên các chương trình cụ thể khi mở lại thị trường. Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines đề nghị, kiểm soát dịch bệnh với hành khách theo các thị trường khác nhau, vì nguy cơ dịch bệnh khác nhau. Đề nghị bỏ quy định xét duyệt cho từng chuyến bay, từng hành khách như hiện nay, "khách có visa, hộ chiếu hợp lệ là được bay".

Ông Hoàng Ngọc Thạch, Giám đốc thương mại Bamboo Airways cho rằng, nhu cầu đi lại của người Việt Nam trên thế giới rất cao, hiện hãng đã có được các slot bay đến sân bay lớn ở Mỹ, Pháp mà "bình thường rất khó tiếp cận". Hãng cũng đã mua máy bay thân rộng, chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng bay quốc tế khi Chính phủ cho phép. Giám đốc Vietjet miền Bắc Dương Hoài Nam nhận định, giai đoạn vừa qua như thời gian nén lại của hoạt động hàng không, chờ đến lúc để bật lên mạnh mẽ hơn. "Người dân khắp nơi đều rất mong đợi được di chuyển bình thường trở lại", ông Nam nói.

Cũng trong ngày 16/12, Bộ GTVT đã có góp ý dự thảo Công văn về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh của Bộ Y tế. Văn bản nêu rõ, qua kinh nghiệm thực tiễn tại các nước, chính sách y tế đối với hành khách sau khi nhập cảnh là điều kiện hết sức quan trọng để thu hút khách quốc tế. Theo Bộ GTVT, Dự thảo hiện chỉ đề cập tới đối tượng là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân và chưa đề cập tới đối tượng khách quốc tịch nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam (để du lịch, kinh doanh, làm việc...). Trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các nước trên thế giới và đặc biệt là các quốc gia lân cận trong khu vực (Thái Lan, Singapore, Campuchia...) đang đẩy mạnh các chương trình thu hút khách quốc tế, Việt Nam rất cần nới lỏng các chính sách để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam làm việc, đầu tư, du lịch, qua đó góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Đối với yêu cầu chung trước khi nhập cảnh, Bộ GTVT đề nghị yêu cầu khách quốc tế mua bảo hiểm y tế để đảm bảo chi phí chữa bệnh trong trường hợp khách mắc COVID-19 tại Việt Nam; yêu cầu khách cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử/ phần mềm quản lý COVID-19 trước khi lên chuyến bay để tiết kiệm thời gian khi nhập cảnh. Bộ GTVT cũng đề nghị làm rõ quy định đối với đối tượng không sử dụng điện thoại như người già, trẻ em. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị có quy định cho hành khách nối chuyến đi tiếp. Trong trường hợp không tổ chức test ngay tại sân bay nhập cảnh, việc test cho khách có thể thực hiện tại nơi khách đến.

Có cần thiết thêm sân bay Quảng Trị?

Nếu được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, sân bay Quảng Trị sẽ là sân bay thứ hai trên cả nước được đầu tư theo hình thức PPP sau sân bay quốc tế Vân Đồn. Đến nay, có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án này, trước đây là FLC, Vietjet và một nhà đầu tư tiềm năng đến từ Thái Lan, gần đây nhất là T&T.

Hội đồng thẩm định liên ngành vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Quảng Trị theo hình thức đối tác công tư (PPP). Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng ký. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án sân bay này theo hình thức PPP. Theo đó, dự án thuộc nhóm A với nhà đầu tư lập đề xuất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là Tập đoàn T&T. Địa điểm thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với tổng diện tích 265ha. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước khoảng 310 tỷ đồng. Dự án dự kiến thực hiện trong 50 năm, trong đó, giai đoạn chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng từ 2021 - 2024 (thời gian đầu tư xây dựng khoảng 22 tháng). Thời gian vận hành và thu phí hoàn vốn 47 năm 4 tháng.

Xét về vị trí địa lý, sân bay Quảng Trị có vị trí cách sân bay Đồng Hới khoảng 93km về phía Bắc và cách sân bay quốc tế Phú Bài khoảng 88km về phía Nam. Chính vì khoảng cách quá gần này, rất nhiều người đặt câu hỏi có nhất thiết đầu tư thêm sân bay Quảng Trị? UBND tỉnh cho biết, sân bay Quảng Trị là một trong 28 sân bay cả nước nằm trong quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2018. Mức độ quan trọng đứng 24 trong 28 sân bay được quy hoạch. Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch đầu năm 2021. Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh cũng xác định việc xây dựng sân bay Quảng Trị rất cần thiết, hướng đến 4 chức năng chính, gồm: vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hóa và logistics, dịch vụ thương mại, đô thị sân bay để phát triển 3 trụ cột chiến lược gồm công nghiệp, nông nghiệp và du lịch - dịch vụ…

Về vị trí, sân bay Quảng Trị có một phần diện tích đất xây dựng thuộc khu vực dự trữ khoáng sản cát trắng, UBND tỉnh cho biết đã có văn bản gửi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị xem xét, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng đưa ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản cát trắng đã dược Thủ tướng phê duyệt. Với 38,2ha đất trồng lúa nằm trong hơn 265ha đất làm sân bay, ngay từ đầu tháng 10, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa để xây dựng sân bay…

Cùng đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vấn đề này đã được giải trình, bổ sung, làm rõ tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Cụ thể, nhu cầu hành khách đến Quảng Trị năm 2017 là gần 1,5 triệu lượt khách, năm 2018 là hơn 1,65 triệu lượt khách, năm 2019 là 2,08 triệu lượt khách. Tại khung định hướng quy hoạch tỉnh Quảng Trị, dự kiến đến năm 2030 có hơn 4,2 triệu lượt khách và năm 2050 có 15,7 triệu lượt khách.              

Đặng Nhật

Phạm Huyền
.
.
.