"Ma men" nồng nặc bia rượu vẫn nói "tôi tỉnh táo"

Thứ Ba, 10/01/2023, 13:25

Dù lực lượng chức năng trong thời gian qua làm rất mạnh đối với vi phạm nồng độ cồn tuy nhiên, nhiều "ma men" vẫn hầu như không quan tâm vì cho rằng mình tửu lượng cao và có "bùa hộ thân" là người quen để gọi trợ giúp...

Tối 9/1, các tổ công tác 141 (Công an TP Hà Nội) đồng loạt triển khai cắm chốt làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT và TTATGt trên các tuyến phố của Thủ đô sau trận đấu bán kết giữa đội tuyển Việt Nam – Indonesia, trong đó tập trung xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.

Tại chốt kiểm soát của tổ công tác Y13/141 khu vực nút giao Lý Thái Tổ- Trần Nguyên Hãn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Ngô Quyền, nhiều trường hợp vi phạm bị phát hiện xử lý nghiêm.

Điển hình, khoảng 21h30, tổ công tác Y13 đã dừng xe máy BKS 29F9- 582.XX do người đàn ông tên N.T.T. (SN 1969, trú tại Tứ Liên, Tây Hồ) điều khiển để kiểm tra nồng độ cồn. Thời điểm bị dừng xe, người đàn ông có biểu hiện say xỉn, nồng nặng hơi men thừa nhận vừa đi uống bia trở về: “Tôi có uống một chút bia, rượu. Bây giờ mà thổi thì lên nồng độ. Tôi xin các bạn… bỏ qua lần này”.

Người này cũng liên tục điện thoại gọi cho người quen nhờ cứu để khỏi bị xử phạt nồng độ cồn. Tuy nhiên, sau khoảng nửa giờ tìm cứu viện không thành, ông T. mới thực hiện yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn và cho kết quả 0,316 mg/L khí thở. Với vi phạm của mình, ông T. bị xử phạt từ 4-5 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 16-18 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Kế đó là trường hợp ông V.X.Q. (SN 1972, trú tại Đống Đa, Hà Nội) điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,355 mg/L khí thở. Nam tài xế cho biết đã uống bia trong lúc cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Tiếp tục ghi nhận tại chốt kiểm soát của tổ công tác Y12/141 ở khu vực Tràng Thi – Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), cảnh sát qua kiểm tra nồng độ cồn cũng phát hiện nhiều “ma men” gồm cả tài xế ô tô.

Đó là tài xế T.T.A. điều khiển ô tô mang BKS: 89C- 272.XX, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,039 mg/L khí thở.

Tài xế A. tâm sự với nỗi buồn bị Cảnh sát xử phạt vi phạm cồn: “Tôi sử dụng rượu bia từ trưa, cứ nghĩ đến tối sẽ hết nhưng đo qua máy vẫn phát hiện nồng độ cồn. Có lẽ lần sau tôi sẽ nghỉ ngơi thêm để trong người không còn nồng độ cồn mới điều khiển xe”. Mức xử phạt đối với tài xế A. là 7 triệu đồng, tước giấy phép 11 tháng và tạp giữ phương tiện 7 ngày.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có văn bản yêu cầu tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm của lực lượng thực thi công vụ. Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm. Nếu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan nhà nước vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông thì phải thông báo đầy đủ hành vi vi phạm về cơ quan người vi phạm để xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận cùng với các tổ công tác của CSGT Hà Nội trong thời gian qua, việc xác định cơ quan, nơi làm việc của người vi phạm nồng độ cồn cũng gặp khó khăn bởi khi làm việc với tổ công tác, người vi phạm chỉ xuất trình chứng minh thư, CCCD, giấy phép lái xe... để lập biên bản.

Theo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, trong 22 ngày (từ 15/12/2022 đến 5/1/2023), đã xử lý 4.344 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 23 tỷ đồng, tước 2.352 giấy phép lái xe.

Như vậy, mỗi ngày các cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng CSGT, 15 tổ công tác liên ngành 141 và 29 đơn vị công an quận, huyện, thị xã… xử lý gần 200 trường hợp vi phạm và phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao so với quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP.

B.Châu
.
.
.