“Ma men” lên giọng “hổ báo” khi bị CSGT xử phạt

Thứ Bảy, 30/10/2021, 12:15

Bị  CSGT dừng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn nhiều “ma men” viện đủ các lý do bào chữa. Có người nhận ra hành vi vi phạm luật giao thông của mình nhưng kể khổ để được thông cảm, nhưng cũng có “ma men” khi bị lập biên bản xử phạt thì lên giọng “hổ báo”, cự cãi với tổ CSGT…

Tối 29, rạng sáng 30/10, Đội Tuần tra dẫn đoàn (Phòng CSGT ĐB - ĐS - Công an TP Hồ Chí Minh) tiếp tục lập các chốt kiểm soát nồng độ cồn tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh để kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường phố về đêm.

“Ma men”, người “hổ báo”, kẻ kể khổ khi bị CSGT xử phạt -0
Trong đêm 29, rạng sáng 30/10, nhiều chốt kiểm tra nồng độ cồn được lập tại các tuyến đường để kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông về đêm.
“Ma men”, người “hổ báo”, kẻ kể khổ khi bị CSGT xử phạt -1
Những người điều khiển phương tiện có dấu hiệu sử dụng bia rượu đưa mời vào chốt kiểm tra.

Dọc tuyến đường đại lộ Phạm Văn Đồng có rất nhiều hàng quán phục vụ khách ăn uống về đêm, có bán bia rượu. Mặc dù TP Hồ Chí Minh mới thí điểm việc các hàng quán tại TP Thủ Đức và quận 7 được hoạt động kinh doanh ăn uống có sử dụng bia rượu, tuy nhiên thực tế các hàng quán trên đại lộ này (không thuộc khu vực 2 quận được thí điểm) đều bán thức ăn kèm rượu bia. Khách ra vào tấp nập, có một số người hẹn hò bạn bè sau thời gian dài giãn cách ra gặp mặt tâm sự, làm vài chai bia ngất ngưởng ra đón taxi về. Phần đông người đã sử dụng bia rượu tự điều khiển xe trên đường.

“Ma men”, người “hổ báo”, kẻ kể khổ khi bị CSGT xử phạt -0
Tuyến đại lộ Phạm Văn Đồng nối với TP Thủ Đức nơi có nhiều hàng quán phục vụ bia rượu cho khách nên tình hình giao thông ở tuyến đường này khá phức tạp.
“Ma men”, người “hổ báo”, kẻ kể khổ khi bị CSGT xử phạt -1
Nhiều người được yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra đều trong tình trạng không tỉnh táo.

Dừng xe theo hiệu lệnh của tổ kiểm soát, anh T.M.T (SN 1988, ngụ Bình Tân) và người bạn đi cùng mặt đỏ ké, hơi thở nồng nặc mùi bia rượu, máy đo thể hiện nồng độ cồn của anh T là 0.163mg/ lít khí thở. Anh T phân bua chỉ uống 1-2 lon cầm chừng, chủ yếu gặp nhau nói chuyện nên không say, vẫn tỉnh táo điều khiển được xe. Tuy nhiên với nồng độ cồn đo được này, anh T bị phạt hành chính 2,5 triệu đồng, giữ phương tiện 7 ngày và tước bằng lái xe 11 tháng. Chỉ khoảng 2h đồng hồ, tại chốt này nhiều người vi phạm nồng độ cồn bị tạm giữ xe, bị phạt với mức 2,5 đến 4,5 triệu đồng.

“Ma men”, người “hổ báo”, kẻ kể khổ khi bị CSGT xử phạt -0
Chỉ trong vài giờ hàng chục người bị lập biên bản tạm giữ phương tiện vì điều khiển phương tiện khi đã sử dụng bia rượu.
“Ma men”, người “hổ báo”, kẻ kể khổ khi bị CSGT xử phạt -1
CSGT phải phối hợp với Công an phường đưa cô gái trong tình trạng say xỉn, chửi bới, quậy phá và xưng "bố làm giám đốc" tại chốt kiểm soát.

Chở bạn gái lưu thông trên đường từ quán nhậu về nhà anh L.M.H (SN 1994, ngụ quận 1) được yêu cầu thổi vào máy, máy đo nồng độ cồn của anh H là 0,596mg/ lít khí thở. Anh H bị lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tạm giữ xe 7 ngày và tước bằng lái 23 tháng. Khi anh H đang làm việc với tổ công tác thì cô gái đi cùng với biểu hiện không tỉnh táo lớn tiếng cự cãi, buông lời khiếm nhã còn không quên hổ báo kiểu “biết bố tao là ai không” khi lôi người cha làm giám đốc ra để hù dọa. Tổ CSGT đã nhẫn nại giải thích nhưng cô gái này vẫn la hét và quậy phá tại chốt kiểm soát. Tổ CSGT đã gọi điện cho Công an phường 11, quận Bình Thạnh xuống giải quyết, đưa cả 2 về trụ sở xử lý.

Tại chốt kiểm soát ở vòng xoay cầu Bình Triệu, Đội CSGT Hàng Xanh, chỉ trong vòng 2h đã kiểm tra xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ông T.V.P (SN 1971, ngụ Củ Chi) điều khiển xe máy chở theo con trai trong tình trạng loạng choạng bị tổ CSGT dừng phương tiện đưa vào chốt. Nồng độ cồn đo được từ ông P là 0,231mg/ lít khí thở. Với mức nồng độ này, ngoài phạt tiền ông P còn bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Than thở với tổ CSGT, ông P cho biết, buổi chiều chở con trai đến TP Thủ Đức thăm người bạn thân lâu năm, ở lại dùng cơm, ngồi tâm sự nên có dùng một vài lon bia. Biết rằng uống bia rượu điều khiển phương tiện là vi phạm luật giao thông nhưng do con trai không có bằng lái nên không dám để con chở.

Khi nghe bị tạm giữ xe, ông P than thở: “Chiếc xe tôi dùng để chạy xe ôm nuôi gia đình, trong đó còn có mẹ già hơn 90 tuổi, giờ bị giữ thì tôi không biết lấy gì để mưu sinh. Hay mấy anh phạt còn cho tôi xin không bị giữ xe! Giờ giữ xe rồi không có phương tiện làm ăn, rồi đường về Củ Chi xa, cha con tôi không biết sao về!”. Tổ CSGT kiên nhẫn giải thích với ông P, sau 15’, ông P mới chịu ký vào biên bản.

Nghinh Phong
.
.
.