Lắp camera giám sát hành trình: Doanh nghiệp “hết cửa” chần chừ

Chủ Nhật, 28/11/2021, 10:48

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến thời hạn xử phạt xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, đến nay số phương tiện chấp hành lắp camera rất thấp, mới đạt khoảng 12%, còn lại nhiều doanh nghiệp đang chần chừ. Hiện nhiều biện pháp đã được cơ quan chức năng đưa ra.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, dù đã có nhiều văn bản yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện lắp camera trên xe kinh doanh vận tải theo lộ trình tại Nghị định 10, nhưng đến nay mới có hơn 25.000 trên tổng số 200.000 phương tiện phải lắp camera, đạt khoảng hơn 12%.

Sau khi Bộ GTVT có công văn lần 3 đôn đốc lắp camera xe kinh doanh vận tải, thì đến nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN-13396 về camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng vừa có văn bản nhắc nhở các đơn vị vận tải khẩn trương lắp camera hoàn thành trước ngày 31/12/2021. Hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp lắp camera phải đạt chuẩn theo TCVN.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm, TCVN-13396 quy định cụ thể đặc tính kỹ thuật thiết bị, dữ liệu hình ảnh và hành trình, các dữ liệu kết hợp, thời gian lưu trữ và quy định về thử nghiệm, đánh giá thiết bị. Sản phẩm đạt TCVN-13396 là thiết bị giám sát hành trình có công nghệ 4G trở lên nhưng được gắn thêm mắt thu camera, phù hợp với Nghị định 10 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Lắp camera giám sát hành trình: Doanh nghiệp “hết cửa” chần chừ -0
Doanh nghiệp vận tải có thể bị phạt từ 10 - 12 triệu đồng nếu sử dụng xe ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định.

Trước việc một số doanh nghiệp lấy lý do chưa biết nên lắp camera giám giát loại nào phù hợp, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT) giải đáp, Nghị định 10 chưa bắt buộc thiết bị phải theo tiêu chuẩn hay quy chuẩn nào, chỉ có yêu cầu các tiêu chí đầu ra hình ảnh và truyền dữ liệu. Do vậy, doanh nghiệp vận tải lắp thiết bị camera đáp ứng tính năng của thiết bị quy định tại Nghị định 10 và Thông tư 12 vẫn có thể đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, Tiêu chuẩn camera giám sát hành trình giúp người sử dụng không mất thời gian đọc hiểu một số văn bản pháp luật vốn có nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp, mà chỉ cần lựa chọn sản phẩm được cấp chứng nhận đạt chuẩn. “TCVN-13396 đáp ứng được tính năng theo yêu cầu của Nghị định 10 và các thông tư, vừa đảm bảo minh bạch”, ông Hà nói. 

Thông tin thêm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam thẳng thắn: Các doanh nghiệp vẫn có thể lắp camera được sản xuất theo tiêu chí của Nghị định 10 và Thông tư 12, tuy nhiên lắp camera theo TCVN sẽ phù hợp và tiết kiệm hơn. “Sau khi có TCVN về camera giám sát hành trình các doanh nghiệp sẽ yên tâm lắp thiết bị theo đúng thời hạn trước ngày 31/12 tới theo yêu cầu của Chính phủ”, ông Quyền nhận định.

Là đơn vị cung cấp thiết bị, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Công ty cổ phần HC cho hay, giá camera sẽ cạnh tranh hơn, trước giá lắp đặt thiết bị phần cứng khoảng 10 - 12 triệu đồng/xe, hiện nay giá chỉ còn khoảng 3 - 5 triệu đồng/xe.

Tại Hà Nội, trước thực trạng các doanh nghiệp vẫn “lơ” quy định, cùng với việc đôn đốc, nhắc nhở, Sở GTVT Hà Nội đã rà soát, thống kê số liệu phương tiện của từng đơn vị kinh doanh vận tải. Đồng thời, đề xuất các biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố. Thanh tra Sở GTVT thực hiện kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các phương tiện, đơn vị vi phạm.

Nghị định 100/2019 quy định xử phạt đối với lái xe, doanh nghiệp vi phạm không lắp camera các mức: Đối với lái xe, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng (đối với loại xe có quy định phải lắp camera hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông). Đối với doanh nghiệp, phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.

Đặng Nhật
.
.
.