Lái xe có nồng độ cồn cao dễ gây thảm họa

Thứ Hai, 20/06/2022, 06:30

Mặc dù tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trong những tháng đầu năm 2022 có xu hướng giảm nhưng sang tới quý II/2022, các vụ TNGT nghiêm trọng có dấu hiệu gia tăng. Đáng chú ý trong đó có không ít vụ tai nạn liên quan đến nồng độ cồn.

Nhiều vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến nồng độ cồn

Cho đến thời điểm này, nhiều người dân vẫn chưa quên vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP Bắc Giang vào đầu tháng 6. Hậu quả làm 3 người trong một gia đình tử vong. Tài xế lái xe ôtô gây tai nạn là Nguyễn Đức Thịnh (35 tuổi, trú phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang), cán bộ Ban Quản lý bảo trì đường bộ, thuộc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Bắc Giang.

image001.jpg -0
Hiện trường vụ TNGT ở Bắc Giang.

Ngay sau đêm tai nạn xảy ra, Công an TP Bắc Giang đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Thịnh. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, Thịnh có nồng độ cồn trong cơ thể là 0,604 mg/l khí thở. Trước đó, vào tháng 5, tại km 1126+700 trên QL1 (đoạn qua địa bàn thôn An Gia Đông, xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cũng đã xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa ôtô và xe máy  khiến 3 người tử vong.

Điều đáng chú ý, sau khi vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra, ngành chức năng tiến hành test kiểm tra đối với tài xế xe khách, kết quả không vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý. Riêng người điều khiển môtô là P.C.N điều khiển xe trong tình trạng sử dụng chất kích thích, có nồng độ cồn trong máu là 29,9 mg/1 lít khí thở. Hai người ngồi sau xe là Đ.A.T có nồng độ cồn trong máu là 37,03 mg/1 lít khí thở và N.X.H có nồng độ cồn trong máu là 74,67 mlg/1 lít khí thở.

Qua khám nghiệm hiện trường kết hợp hệ thống camera và các biện pháp nghiệp vụ, ngành chức năng nhận định nguyên nhân sơ bộ vụ TNGT được xác định là P.C.N điều khiển môtô chuyển hướng qua đường không chú ý quan sát, không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn. Hai vụ tai nạn kể trên chỉ là con số nhỏ trong nhiều vụ TNGT xảy ra từ đầu năm đến nay có liên quan đến nồng độ cồn ở nước ta.

Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, trong quý I-2022, số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, giảm 662 vụ (tương đương giảm 19,33%), giảm 67 người chết (3,84%) và giảm 739 người bị thương (29,8%). Trong đó, 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cảnh báo về việc xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra. Nhiều đối tượng vi phạm trong độ tuổi thiếu niên.

Nên xử phạt luỹ tiến với hành vi tái phạm vi phạm nồng độ cồn

Thông tin được đưa ra tại một cuộc hội thảo gần đây do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức có nêu: Các số liệu thống kê trong báo cáo thực thi pháp luật về giao thông của Liên minh Châu Âu cho thấy, khoảng 25% số vụ thiệt mạng trong các va chạm giao thông đường bộ ở Liên minh Châu Âu có liên quan đến nồng độ cồn trong máu, trong khi tổng số km do lái xe có nồng độ cồn trong máu ở mức 0,5g/l chỉ chiếm 1%. Khi nồng độ còn trong máu tăng, rủi ro về va chạm cũng như mức độ thiệt hại tăng lên rất nhanh. So với những người lái không uống rượu, bia, những lái xe có nồng độ cồn 0.8mg/ml (mức hợp pháp ở nhiều nước) có rủi ro cho hơn 2.7 lần. Khi nồng độ cồn trong máu ở mức 1.5mg/ml, tỷ lệ va chạm cao hơn tới 22 lần, tỷ lệ thiệt mạng tăng lên 200 lần so với lái xe không sử dụng rượu, bia.

Các số liệu khảo sát tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cũng cho thấy trong các vụ va chạm giao thông, lái xe có nồng độ cồn chiếm từ 4%-69%, người đi bộ có nồng độ cồn chiếm từ 18-90% và người đi xe máy từ 10-28%. Việc thực thi nghiêm các quy định trong đó áp dụng quy định kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên đã cho thấy là một giải pháp có hiệu quả rất cao và có thể giảm các vụ va chạn giao thông liên quan tới nồng độ cồn tới 20%.

TS.Lê Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển GTVT (Đại học GTVT) cho rằng, tại Việt Nam chúng ta nên nhìn thẳng vào hiện trạng về hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Cụ thể, TNGT có được kiềm chế về số lượng nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. TNGT có liên quan đến rượu, bia chiếm tỷ lệ lớn trung bình khoảng 36% số vụ TNGT so với tỷ lệ trên thế giới khoảng 11-25%. Vi phạm quy định về nồng độ còn là khá thấp trong số liệu thống kê chính thức của cơ quan chức năng. Kiến thức, thái độ và nhận thức của người dân chưa thực sự đầy đủ, vẫn còn tới 90% thực khách trực tiếp lái xe về từ quán bia. Từ đây, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển GTVT đưa ra giải pháp nên đa dạng hoá hình thức xử phạt như trừ điểm bằng lái, phạt luỹ tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, treo, tịch thu bằng, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe…

Đồng thời với những hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét truy tố xử lý hình sự. Ngoài ra, vị TS này cũng kiến nghị, mức phạt hành chính nên được điều chỉnh tăng theo mức độ vi phạm: Tương ứng với mức độ vi phạm cho hành vi trên 80mg/100ml máu; từ 80-160mg/100ml; và từ 160-240mg/100ml theo nguyên lý mức sau cao hơn mức trước.

Đồng thời, cần quy định bắt buộc về kiểm tra ngẫu nhiên và bắt buộc chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, đồng thời bắt buộc kiểm tra nồng độ cồn với tất cả các va chạm giao thông. Lưu trữ hồ sơ vi phạm và quản lý chặt chẽ tái phạm, xử phạt luỹ tiến với tái phạm về hành vi vi phạm nồng độ cồn.

Đặng Nhật
.
.
.