Kỳ vọng những đô thị hiện đại đôi bờ sông Hồng
Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã có 8 cây cầu kết nối hai bên bờ hữu ngạn và tả ngạn sông Hồng. Đó là cầu Văn Lang (Ba Vì - Việt Trì), cầu Vĩnh Thịnh, cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1 và giai đoạn 2, cầu Thanh Trì...
Không thể phủ nhận giá trị thực tế mà những cây cầu này mang lại cho người dân, song ý nghĩa giảm tải phương tiện đang ngày một mất dần. Bởi phương tiện lưu thông trên địa bàn Hà Nội ngày một tăng cao, hạ tầng khó đáp ứng kịp.
Nhằm giảm ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi hơn cho người dân đi lại giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận, tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng thêm hàng chục cây cầu với định hướng phát triển đô thị hai bên sông…
Thủ đô sẽ cần nhiều hơn 18 cây cầu
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt nút giao TL427 với đường sắt Bắc - Nam và QL1A, huyện Thường Tín (cầu vượt Dương Trực Nguyên) do UBND huyện Thường Tín làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 283 tỷ đồng. Cầu nằm tại vị trí giao cắt với TL427 đang được xây dựng. Tổng chiều dài của cây cầu là 590m, rộng 16m. Dự án giúp tạo nút giao khác mức với QL1A và đường sắt Bắc - Nam; hoàn chỉnh hướng tuyến mới của đường 427 theo quy hoạch giúp kết nối với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ một cách thuận lợi, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an toàn giao thông. Dự án hoàn thành sẽ phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của các dự án đang triển khai là "Cải tạo, chỉnh trang tuyến TL427 đoạn từ QL21B đến nút giao cầu Khê Hồi" địa bàn Thường Tín và "Dự án mở rộng QL1A đoạn Km189 - Km194 qua địa bàn Thường Tín". Từ đó tạo ra mạng lưới giao thông hoàn thiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Theo ông Phan Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, Phòng Quản lý đô thị huyện Thường Tín đang thẩm định thiết kế dự toán xây dựng làm căn cứ cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tổ chức lựa chọn nhà thầu vào đầu tháng 3/2024 để sớm mở thầu theo quy định. Cho đến nay, mặt bằng phục vụ thi công dự án cũng đã đảm bảo nên UBND huyện đang gấp rút thực hiện các bước để khởi công dự án vào cuối tháng 3/2024.
Theo Quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 18 cầu vượt sông Hồng, tuy nhiên với định hướng phát triển đô thị hai bên sông, kéo dài đến các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô, thành phố sẽ cần thêm nhiều cầu vượt sông hơn nữa. Chính vì vậy, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất bổ sung 4 cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối một số khu đô thị, cũng như với các tỉnh lân cận. Cụ thể gồm: Cầu vượt sông Hồng số 1 nằm trên trục đường Tây Bắc - QL5B, để kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Cầu số 2 nằm trên đường tỉnh 429B, kết nối Hà Nội với Hưng Yên. Cầu số 3 theo hướng kéo dài trục Vành đai 2,5 để kết nối tả, hữu sông Hồng theo hành lang tuyến đường sắt đô thị số 8. Cầu số 4 nằm trên tuyến đường Vành đai 2,5 sang Đông Anh. Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất cần bổ sung 1 cầu qua sông Đà (cầu Tu Vũ) để kết nối Hà Nội với tỉnh Phú Thọ. Sở GTVT cho biết, bên cạnh các cầu/hầm đã xác định cụ thể, trong quy hoạch sẽ cần định hướng mở linh hoạt và căn cứ trên nhu cầu thực tế để bổ sung thêm một số cầu/hầm qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy.
Điểm nhấn du lịch từ những cây cầu vượt sông
Trên thực tế, nếu chỉ nhìn nhận đơn lẻ sẽ không thể thấy hết vai trò và tính cấp thiết của những cây cầu vượt sông Hồng trong hệ thống giao thông khung của Hà Nội. Ví dụ như cầu Vĩnh Tuy (cả hai giai đoạn) đã được tính toán để khớp nối trên một trục với cầu Giang Biên bắc qua sông Đuống, thông đến tỉnh Bắc Ninh và đấu nối vào Vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL5. Hướng kết nối này cũng sẽ thu ngắn khoảng cách từ cầu Vĩnh Tuy đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, nâng cao năng lực thông hành cho cửa ngõ Đông Bắc Thủ đô.
Nhìn nhận vấn đề này, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng: "Bất kỳ lúc nào có điều kiện, Hà Nội hãy đầu tư xây dựng thêm cầu vượt sông Hồng, để khớp nối hệ thống giao thông, tạo ra sự phát triển đồng đều giữa hai bờ Nam - Bắc về kinh tế xã hội và văn hóa. Thêm cầu vượt sông là thêm cơ hội cho sự phát triển của khu vực đô thị ven sông Hồng". Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội phân tích thêm, áp lực đô thị hóa trong khu trung tâm Hà Nội đang căng cứng như một dòng nước lũ bị ngăn vây bởi "dải đập" sông Hồng. Thành phố đang rất cần những cây cầu để khép kín các vành đai giao thông lớn, mở hướng phát triển về phía những vùng đất giàu tiềm năng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên… Những cây cầu này sẽ là mạch nối thẳng đến tương lai của đô thị Hà Nội với trục không gian đặc biệt, mang tính biểu tượng, chủ đạo trong phát triển toàn diện: trục sông Hồng. Thiếu các cầu lớn qua sông đã dẫn đến sự mất cân đối trong phát triển đô thị hai bên bờ Nam - Bắc sông Hồng nhiều năm qua. Bên bờ Nam phát triển rất nhanh, mật độ dân cư đông, trong khi bờ Bắc dù có nhiều tiềm năng lại chưa đạt được như kỳ vọng do thiếu sự kết nối với khu vực đô thị trung tâm. Có thêm nhiều cầu để kết nối và tạo điều kiện cho bờ Nam hỗ trợ bờ Bắc sông Hồng, Hà Nội sẽ phát triển toàn diện, đồng đều hơn, lấp đầy mọi khoảng cách và sự chênh lệch về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, khi hoàn thành quy hoạch phát triển 2 bên bờ sông Hồng, nhu cầu vận tải vượt sông về hàng hóa, hành khách, du lịch đường sông và đường bộ... sẽ ngày càng lớn, các cây cầu sẽ càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn.
Thêm nhiều hầm chui lớn
Ngoài việc tập trung vào xây dựng các cây cầu bắc qua sông, Sở GTVT Hà Nội đang tính đến phương án đầu tư thêm hầm chui tại các nút giao Đại lộ Thăng Long - Vành đai 3,5; Cổ Linh - đường dẫn cầu Vĩnh Tuy; Dương Đình Nghệ - Vành đai 3... kỳ vọng giảm tải ùn tắc. Cụ thể từ nay đến năm 2026, Hà Nội dự kiến sẽ triển khai dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Hoài Đức).
Dự án gồm hầm chui theo hướng đường Vành đai 3,5 (đường Lê Trọng Tấn cũ, nay là đường Hoàng Tùng) - QL32 với tổng chiều dài 975m, rộng 18,5m. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 2.450 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Hà Nội hiện có 4 hầm chui gồm: Kim Liên, Trung Hòa, Thanh Xuân, Lê Văn Lương. Một hầm chui đang xây dựng trên đường Vành đai 2,5 tại nút giao Giải Phóng - Kim Đồng. Cùng đó, tới đây Hà Nội sẽ xây dựng hầm chui Cổ Linh - đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ tiếp tục xây thêm một số hầm chui dọc tuyến Vành đai 3. Hồi đầu tháng 1/2024, Sở GTVT Hà Nội đề xuất thành phố bổ sung Dự án đầu tư xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, đoạn từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ (bao gồm cả hầm chui qua đường Phạm Văn Đồng) có 4 làn xe, tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng vào danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư, nhằm giảm tải cho nút giao Mai Dịch và tuyến đường 32 hiện hữu.