Khó khả thi nếu giao thông công cộng vẫn "giậm chân tại chỗ"
Liên quan đến thời điểm hạn chế xe máy theo vùng, trao đổi nhanh với phóng viên, lãnh đạo Sở GTVT cho hay, hiện Sở đang nghiên cứu thêm các phương án. Khi nào các điều kiện về phương tiện công cộng đáp ứng được thì mới tính phương án tiếp theo. Do đó, không có chuyện hạn chế xe máy ở vành đai 3 từ năm 2023 như là “đồn thổi”...
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị quyết là Chính phủ yêu cầu 5 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh) nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030. Chủ trương này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận.
Hà Nội sau những ngày quay trở lại trạng thái bình thường, tình trạng ùn ứ lại diễn ra trên nhiều tuyến đường. Thông tin về công tác xử lý các điểm ùn tắc giao thông, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, năm 2021 đã giải quyết được 10/37 điểm nhưng lại phát sinh thêm 8 điểm mới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc năm 2022 sẽ phải giải quyết 35 điểm đen. Trong khi đó, quý I/2022, Sở GTVT Hà Nội mới xử lý duy nhất 1 điểm ở ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ. Từ thực tế này, bài toán hạn chế phương tiện một lần nữa được nhắc tới như một vấn đề “nóng”.
Biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân trong đó có xe máy được chính quyền đặt ra từ năm 2015. Khi đó, Hà Nội đã đề xuất Chính phủ cho phép thành phố xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Bởi nếu không có giải pháp kịp thời, giao thông Thủ đô 4-5 năm tới rất phức tạp. Giữa năm 2016, dự thảo chương trình hiện đại hóa đô thị của Thành ủy Hà Nội đưa ra lộ trình cụ thể "từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, định hướng đến năm 2025 dừng hoạt động xe máy". Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, thời điểm này Hà Nội chưa thể cấm được xe máy do thiếu phương tiện công cộng.
Liên quan đến thời điểm hạn chế xe máy theo vùng, trao đổi nhanh với phóng viên, lãnh đạo Sở GTVT cho hay, hiện Sở đang nghiên cứu thêm các phương án. Khi nào các điều kiện về phương tiện công cộng đáp ứng được thì mới tính phương án tiếp theo. Do đó, không có chuyện hạn chế xe máy ở vành đai 3 từ năm 2023 như là “đồn thổi”.
TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, việc hạn chế, tiến tới giảm đến mức tối thiểu xe cá nhân là cần thiết, từ đó đẩy mạnh phương tiện công cộng. Tuy nhiên, ông Tạo cho rằng, để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông thì phải giảm phương tiện cá nhân, phát triển giao thông công cộng, kết hợp với quy hoạch giao thông. Còn nếu nói chỉ hạn chế, tiến tới cấm xe máy để giải quyết ùn tắc giao thông là sai, mất tính khoa học. Bởi nếu cấm xe máy, để người dân chỉ đi ôtô cá nhân thì ùn tắc còn tăng hơn hiện tại nhiều lần.
Theo ông Tạo, khi đã có nghị quyết, có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ là đã có những căn cứ pháp lý. Nếu phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới thì chúng ta phải nghiên cứu để tìm ra giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông, phát triển các thành phố lớn thành nơi văn minh hiện đại. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, vị chuyên gia này cho rằng, cần tính toán đến công tác quy hoạch, đồng thời đặt ra các lộ trình cụ thể. Bởi nhiều năm nay các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ đưa ra lộ trình về thời gian, ngày tháng.
Tuy nhiên, cơ sở để cấm, để hạn chế thì lại không được tính toán và nghiên cứu thỏa đáng. Do đó, các nhà quản lý cần đưa ra lộ trình về sự tương thích, tương quan bằng sự phát triển của giao thông công cộng. Khi mà loại hình giao thông này phát triển đến đâu thì siết phương tiện cá nhân đến đó.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng khẳng định tính đúng đắn khi hạn chế phương tiện. Tuy nhiên, nếu chỉ hạn chế riêng xe máy sẽ không hợp lý, thiếu tính nhân văn. Bởi đi xe máy là những người khó khăn, chưa kể xe máy vẫn phù hợp với các tuyến đường nhỏ hẹp, nhiều ngõ ngách như Hà Nội.
Ông Thủy cũng nhắc lại bài học thất bại từ xe buýt nhanh BRT hay tăng phí gửi xe để giảm ùn tắc mấy năm trước. Kết quả của tất cả những sáng kiến này đều khiến người dân thêm phiền hà, tốn kém, trong khi tắc vẫn hoàn tắc, có khi còn phát sinh thêm bất cập. Vấn đề ở đây là chúng ta đã đánh không trúng vào gốc rễ của thực trạng ùn tắc giao thông, mà chỉ đang cố giải quyết phần ngọn. Chúng ta cần tính toán nhiều mặt, không chỉ nhằm hạn chế xe máy trong khi hạ tầng công cộng vẫn giậm chân tại chỗ.