Khai thác thế mạnh đường thủy nội địa vùng Tây Nam Bộ

Thứ Hai, 20/11/2023, 08:29

Để phát huy lợi thế vận tải thủy nội địa tại vùng Tây Nam Bộ, theo các chuyên gia, trước hết cần nâng cấp các tuyến vận tải thủy kết nối sông Tiền và sông Hậu...

Tây Nam Bộ có hệ thống sông ngòi chằng chịt với tổng chiều dài gần 28.000km. Trong đó, 6 tuyến xuất phát từ biên giới ra hướng biển Đông (cho phép tàu từ 500 - 5.000 tấn hoạt động); 2 tuyến ngang nối TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh (cho phép tàu 300 tấn hoạt động), gồm: tuyến TP Hồ Chí Minh - Kiên Lương (qua kênh Tháp 10 số 2, dài 227,6km); tuyến TP Hồ Chí Minh - Kiên Lương (qua kênh Lấp Vò, dài 312,8km) và tuyến TP Hồ Chí Minh - Cà Mau (qua kênh Xà No, dài 386,6km).

Khaithac_3-1700443896940.jpg
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua các cảng ở vùng ĐBSCL.

Để phát huy lợi thế vận tải thủy nội địa tại vùng Tây Nam Bộ, theo các chuyên gia, trước hết cần nâng cấp các tuyến vận tải thủy kết nối sông Tiền và sông Hậu thông qua sông Mang Thít (Vĩnh Long) và kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền (Đồng Tháp), phá thế độc đạo của sông Vàm Nao, cho phép sà lan chở container tải trọng 54-200 TEUs (TEU là đơn vị đo sức chứa hàng hóa, tương đương 1 container 20 feet) có thể di chuyển để giảm chi phí chuyển tải container từ ĐBSCL đến các cảng khu vực duyên hải Đông Nam Bộ…

Cuối tháng 4/2022, Bộ GTVT đã có tờ trình 3765 gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam”. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), cải tạo đồng bộ các tuyến sông, kênh qua 8 tỉnh, thành phố.

Được biết, Bộ GTVT sẽ triển khai dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu trọng tải lớn từ biển vào sông Hậu giai đoạn 2; nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu Trần Đề ngoài cửa sông Hậu; cải tạo luồng hàng hải sông Tiền; nâng cấp kênh Chợ Gạo và từng bước hình thành hệ thống cảng container rộng khắp vùng Tây Nam Bộ để phát huy lợi thế vận tải thủy toàn vùng.

TS Trần Văn Hiếu, Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, có thể hiểu kinh tế sông là hoạt động phức hợp đa ngành nghề nhằm khai thác nguồn lợi kinh tế của các con sông để phục vụ phát triển kinh tế, sản xuất và đời sống; trong đó bao gồm các hoạt động vận tải đường sông, phát triển du lịch trên sông, nuôi trồng thủy sản trên sông, sử dụng nguồn nước sông cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt. Ngoài ra, còn có thể xây dựng thủy điện và khai thác các tài nguyên dưới lòng sông cho nhu cầu phát triển kinh tế.

Hệ thống sông cũng giúp vùng này có mật độ đường thủy cao nhất cả nước, đạt tỷ lệ 0,61km/km2, được hình thành từ hai hệ thống sông chính theo trục dọc là sông Tiền, sông Hậu, cùng các tuyến trục ngang với tổng chiều dài khoảng 14.900km.

Chợ Gạo là tuyến đường thủy huyết mạch và độc đạo cho các phương tiện đường thủy vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL đi TP Hồ Chí Minh, miền Đông và ngược lại với khoảng cách gần hơn nhiều so với việc di chuyển bằng đường biển. Mỗi ngày có khoảng 1.800 phương tiện có trọng tải từ 100 – 2.000 tấn đi qua kênh Chợ Gạo. Tuy kênh Chợ Gạo có lòng hẹp, lúc nước ròng, sà lan chở container trọng tải 2.000 tấn rất khó di chuyển nhưng sà lan 1.100 tấn vẫn lưu thông bình thường.

Đồng Tháp là 1 trong 13 tỉnh của vùng ĐBSCL có sông Hậu và sông Tiền chảy qua, đặc biệt sông Tiền chia cắt tỉnh Đồng Tháp thành 2 vùng. Chính vì thế, Đồng Tháp là tỉnh có 12 tuyến đường thủy quốc gia đi qua với chiều dài khoảng 418km. Nhờ vậy, Đồng Tháp có các tuyến kênh cấp 1 chạy qua có khả năng khai thác các sà lan trên 4 x 600 tấn và phương tiện thủy nội địa trên 1.000 tấn; các tuyến kênh cấp 2 chạy qua tỉnh có khả năng khai thác sà lan 2 x 400 tấn và phương tiện thủy nội địa 300 tấn.

Hay như Cà Mau cũng có các tuyến sông, kênh rạch nằm trên đường đi của 4 tuyến vận tải thủy quốc gia. Ngoài ra, còn có tuyến Rạch Giá - Cà Mau dài 158km, đây là tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo của vùng khi kết nối với vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tuyến Quản Lộ Phụng Hiệp có chiều dài 104km có chức năng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và kết hợp vận tải thủy…

Đức Văn
.
.
.