Hiệu quả từ hình ảnh camera để xử lý "phạt nguội" giao thông tại Bình Phước
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt 69 camera giám sát tại 34 vị trí trọng điểm về giao thông. Trong đó, có 17 điểm gắn camera giám sát tốc độ, 15 điểm giám sát tín hiệu đèn giao thông, 2 điểm giám sát về làn đường.
11 tháng năm 2024, hệ thống camera giám sát giao thông tại tỉnh Bình Phước đã phát hiện 10.568 phương tiện vi phạm các lỗi vượt đèn đỏ, đi sai làn đường và chạy quá tốc độ; so với 11 tháng năm 2023, số vi phạm bị phát hiện tăng 1.365 trường hợp (tăng 15%). Trong số 10.568 trường hợp vi phạm, có 4.617 trường hợp đã đến cơ quan chức năng chấp hành xử lý vi phạm, đạt 43,6%, cao nhất từ trước tới nay.
Điều này cho thấy, việc chấp hành xử lý vi phạm của chủ phương tiện có chuyển biến tích cực, nâng kết quả xử lý "phạt nguội" 11 tháng tại Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước là 9.032 trường hợp, số tiền phạt 24,6 tỷ đồng; so với 11 tháng năm 2023, kết quả xử lý tăng 5.269 trường hợp (tăng 140%).
Theo chỉ huy Đội tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông và xử lý vi phạm, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước, thời gian qua, nhiều người dân, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành khác vi phạm giao thông, bị xử lý "phạt nguội" tại Bình Phước đã đến Phòng CSGT Công an tỉnh để giải quyết. Qua đó, tốn nhiều thời gian và chi phí đi lại. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP của Chính phủ, công dân, doanh nghiệp có thể đến Công an cấp xã, huyện nơi cư trú hoặc nơi doanh nghiệp có trụ sở làm việc để đóng phạt theo quy định.
Có thể thấy, các đơn vị liên quan đã phối hợp đồng bộ trong việc áp dụng chế tài xử lý những trường hợp cố tình không chấp hành. Cụ thể, các cơ quan đăng ký xe không tiếp nhận, giải quyết đăng ký xe mới đối với trường hợp người dân, doanh nghiệp có phương tiện vi phạm "phạt nguội" nhưng chưa chấp hành nghĩa vụ đóng phạt. Các trung tâm đăng kiểm không tiếp nhận đăng kiểm đối với xe có vi phạm được thông báo trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm nhưng chưa chấp hành đóng phạt. Hoặc văn phòng công chứng không thực hiện chứng nhận sang nhượng xe đối với các trường hợp chủ xe chưa xử lý vi phạm.
Bên cạnh việc xử lý vi phạm thông qua các dữ liệu hình ảnh thu được từ hệ thống camera giám sát giao thông trên nhiều tuyến đường và bắn tốc độ di động, thời gian qua, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước còn xử lý một số trường hợp có hành vi vi phạm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh cũng như mạng xã hội do công dân đăng tải. Việc áp dụng các chế tài xử phạt nêu trên đã góp phần thực hiện chủ trương thượng tôn pháp luật, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, hướng tới văn hóa giao thông an toàn, từng bước kéo giảm tai nạn giao thông.
Chẳng hạn như khoảng 10h50 phút ngày 15/5/2024, Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước nhận được hình ảnh do người dân cung cấp về xe ôtô khách biển số 61B-011.50 của nhà xe Chín Tèo chạy trên đường ĐT741 đoạn qua địa bàn xã Tiến Hưng, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, có hành vi lấn làn, vượt ẩu. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, Đội CSGT số 2 đã tra cứu, xác định chủ xe ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Liên hệ chủ xe xác định thời điểm hình ảnh người dân cung cấp lái xe là Lê Văn Tiến (SN 1989), ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương điều khiển. Qua đó đã mời chủ xe, lái xe lên làm việc, lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ giấy phép lái xe của tài xế để xử lý theo quy định. Đồng thời, đề nghị lái xe, chủ xe cam kết không tái phạm, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.
Thượng tá Lê Đức Trình, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước cho biết, việc triển khai xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát trật tự an toàn giao thông (phạt nguội) là xu hướng tất yếu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) phù hợp với quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, việc "phạt nguội" còn tạo môi trường công khai, minh bạch trong công tác xử lý vi phạm TTATGT hạn chế các tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình thi hành công vụ, bảo đảm tính chính xác, khách quan trong quá trình xử lý vi phạm; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông phòng ngừa tai nạn giao thông hiệu quả. Khoa học kỹ thuật hỗ trợ lực lượng CSGT trong công tác bảo đảm TTATGT trong điều kiện lực lượng ngày càng tinh gọn, nhất là tại những địa bàn phức tạp về TTATGT, điểm đen, tiềm ẩn về tai nạn giao thông và trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Xử phạt vi phạm giao thông thông qua hình ảnh tạo nên những hiệu ứng tích cực, từng bước xây dựng văn hoá giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông. Sự chung tay của người dân cùng với lực lượng chức năng trong việc loại bỏ tình trạng vi phạm TTATGT bằng những việc làm thiết thực sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông ngày càng văn minh, an toàn hơn.