Hàng không Việt còn nhiều thách thức

Thứ Bảy, 20/07/2024, 07:06

Ngày 19/7, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức hội nghị Vận tải hàng không năm 2024 để đánh giá các kết quả đã đạt được, tìm phương án giải quyết các khó khăn. Theo thống kê, số lượng khách qua cảng hàng không 6 tháng đầu năm tăng, song Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không Việt nhìn nhận, thị trường nội địa còn nhiều thách thức trong những tháng cuối năm.

Thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, tổng thị trường hành khách đạt hơn 37 triệu khách (tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 97% so với cùng kỳ năm 2019). Tổng sản lượng hành khách thông qua cảng hàng không, sân bay đạt hơn 54 triệu khách (bằng 97% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, hành khách nội địa thông qua đạt hơn 34 triệu khách và hành khách quốc tế đạt hơn 20 triệu khách (tăng 38% cùng kỳ năm 2023).

may bay vna 2.jpg -0
Vietnam Airlines cho biết, dù đội máy bay giảm trung bình trên 10% so với năm 2023 nhưng tổng số chuyến bay đạt gần 70 nghìn chuyến.

Hàng hóa thông qua cảng hàng không, sân bay đạt hơn 721 nghìn tấn (tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, hàng hóa nội địa thông qua cảng đạt hơn 228 nghìn tấn và hàng hóa quốc tế đạt 492 nghìn tấn. Xét riêng về thị trường nội địa, 6 tháng đầu năm 2024, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hơn 17 triệu khách nội địa (bằng 82% so với cùng kỳ năm 2023). Do khó khăn về đội máy bay nên các hãng phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa. Theo Cục Hàng không Việt Nam, đây là nguyên nhân khiến thị trường nội địa giảm so cùng kỳ 2023 và 2019. Tuy nhiên, các hãng vẫn duy trì mạng đường bay nội địa với 50 đường bay kết nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 20 cảng hàng không trên cả nước. Vietnam Airlines và Vietjet Air là hai hãng hàng không chiếm thị phần nội địa lớn nhất, lần lượt là 42% và 44%, tiếp theo sau là Bamboo Airways (7%), Vietravel Airlines (3%), Pacific Airlines và Vasco (4%). Hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa về cơ bản được duy trì ở mức trên 80% và các đường bay quốc tế ở mức trên 70%. Trong đó, Vietravel Airlines là hãng có hệ số sử dụng ghế cao nhất trên 90% với cả mạng đường bay nội địa và quốc tế.

Với thị trường quốc tế, hoạt động khai thác vận chuyển quốc tế là điểm sáng nổi bật trong kết quả vận tải hàng không 6 tháng đầu năm 2024. Số lượng lượt cất hạ cánh quốc tế tại các cảng hàng không sân bay có khai thác quốc tế cũng tăng trưởng ấn tượng, cả về giá trị tuyệt đối và tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 và so với cùng kỳ các năm trước. Riêng với các hãng hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, các hãng vận chuyển đạt gần 9 triệu khách quốc tế (tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023), chiếm 44% thị phần vận chuyển khách quốc tế.

Đại diện Vietnam Airlines cho hay, dù đội máy bay giảm trung bình trên 10% so với 2023 nhưng tổng số chuyến bay đạt gần 70 nghìn chuyến, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Giờ bay khai thác đạt 165,8 nghìn giờ, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Số khách vận chuyển trên toàn mạng đạt 11,1 triệu khách, tăng gần 10% so với cùng kỳ và chỉ số đúng giờ OTP vẫn đạt mức cao 86,4%. Còn với hãng hàng không Vietjet, tính đến tháng 7/2024, tổng số máy bay đã dừng không khai thác của hãng là 10 máy bay và thêm 1 máy bay sẽ dừng từ tháng 10. Theo chương trình triệu hồi, toàn bộ 50 động cơ lắp trên 25 máy bay A321Neo của hãng sẽ phải tháo để sửa chữa, chương trình này có thể kéo dài qua 2025 hoặc lâu hơn. Để giải quyết tình trạng trên, 6 tháng cuối năm 2024, Vietjet có kế hoạch nhận 10 máy bay dự kiến gồm 8  máy A321Neo và 2 máy bay E190. Năm 2025, Vietjet dự kiến tiếp tục nhận máy A321Neo, máy bay A330-300, máy bay E190 và máy bay Boeing 737 Max.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chủ động giải quyết các khó khăn cũng như các kiến nghị, đề xuất của các hãng hàng không, báo cáo Bộ GTVT. Đối với việc thiếu máy bay do nhà sản xuất triệu hồi động cơ, Thứ trưởng đề nghị các hãng hàng không báo cáo rõ các phương án cần được Nhà nước hỗ trợ. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu, tìm giải pháp để Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với việc điều chỉnh hỗ trợ các chi phí đầu vào, các doanh nghiệp chủ động tìm phương án, đề xuất chính sách, cơ chế để Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có các phương án phù hợp.

Đặng Nhật
.
.
.