Hàng không tăng chuyến, giá vé rẻ

Thứ Hai, 01/11/2021, 08:40

Trên các trang bán vé trực tuyến, giá vé máy bay nội địa đang còn khá nhiều với mức giá rẻ bất ngờ sau khi hàng không tái khởi động sau một thời gian dài bất động vì dịch COVID-19. Trái ngược với những lo lắng của người dân về việc giá vé máy bay sẽ tăng cao do nhu cầu đi lại sau nới lỏng giãn cách lớn, thực tế những ngày qua cho thấy, giá vé khá “mềm”, ngay cả trên “đường bay vàng” Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Sau khi các hãng hàng không được tăng chuyến, mở lại nhiều đường bay từ 21/10, giá vé đã giảm 2-3 lần so với vài tuần trước. Theo khảo sát của phóng viên, nếu giai đoạn cuối tháng 10, giá vé máy bay rẻ nhất trên chặng TP Hồ Chí Minh - Hà Nội đang dao động ở mức 670.000 đồng đến 780.000 đồng một chiều đã bao gồm thuế phí thì sang tới tháng 11, giá vé tiếp tục xuống thấp, rẻ nhất dao động trong khoảng 560.000-670.000 đồng.

Diễn biến giá vé tương tự cũng diễn ra trên chiều bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh với giá vé tháng 11 rẻ nhất đang trong khoảng 560.000-670.000 đồng. Với đường bay TP Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, giá vé rẻ nhất cũng đang ở mức 560.000 đồng suốt giai đoạn tháng 11. Tương tự là các đường bay nối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với các tỉnh thành như Nghệ An, Huế, Phú Quốc hay Nha Trang cũng đang ghi nhận giá vé ở mức rẻ.

1.jpg -0
Hàng không tăng chuyến, giảm giá hút khách.

Giá vé trên các đường bay nội địa giảm mạnh nhờ các hãng bay đã được tăng tần suất khai thác. Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn duy trì quy định tự cách ly 7 ngày tại nơi cư trú, ảnh hưởng tới quyết định bay của hành khách. Tuy nhiên, khách muốn sở hữu những vé máy bay giá rẻ sẽ phải chấp nhận một số điều kiện như: Phải mua thêm phí cho hành lý ký gửi, không được đổi tên hành khách, phải trả phí nếu thay đổi chuyến bay, ngày bay và hành trình bay kèm theo khoản tiền chênh lệch giá vé (nếu có)…

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, thay vì chỉ được khai thác 1 chuyến/ngày trên mỗi chặng bay, từ 21/10 - 14/11, trên chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Hà Nội - Đà Nẵng, Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh và ngược lại, các hãng được khai thác tối đa 6 chuyến khứ hồi/ngày, sau đó nâng lên tối đa 7 chuyến đến 30/11. Các đường bay khác không quá 4 chuyến khứ hồi/ngày. Hiện, Vietnam Airlines đã khôi phục gần như toàn bộ mạng bay nội địa với 40 chặng.

Số đường bay dự kiến khai thác từ ngày 21/10 - 30/11 xấp xỉ trước khi dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2021. So với giai đoạn thí điểm, nhiều đường bay được mở lại kết nối tới các điểm đến mới như: Côn Đảo, Điện Biên, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Lâm Đồng... Tần suất các đường bay cũng được bố trí tăng dần qua từng giai đoạn để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vietjet cũng cho biết đã khôi phục khai thác toàn bộ đường bay kết nối TP.Hồ Chí Minh với Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố từ ngày 21/10. Đến 30/11, hãng đặt mục tiêu mở lại 48 đường bay nội địa. Hãng này cũng miễn phí xét nghiệm nhanh COVID-19 cho toàn bộ hành khách bay từ TP Hồ Chí Minh. Từ ngày 22/10, miễn phí xét nghiệm cho hành khách bay từ Hà Nội.

Cùng đó, đại diện Bamboo Airways thông tin, giai đoạn đến 31/10, hãng khôi phục và tăng tần suất 31 đường bay nội địa, trong đó 15 đường bay khứ hồi kết nối với Hà Nội, 17 đường bay khứ hồi kết nối với TP Hồ Chí Minh. Bamboo Airways thậm chí còn vừa công bố chương trình ưu đãi “Bay nửa giá - Sale cực đã” giảm giá lên tới 50%, áp dụng với tất cả các đường bay nội địa hãng đang mở bán, tất cả các hạng vé và thời gian khởi hành kéo dài đến hết 30/11/2021.

Liên quan đến giá vé máy bay, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về hàng không dân dụng, các hãng không được phép bán quá mức giá đã đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước. “Ngay cả thời điểm vé “khan” nhất, sẽ không thể có tình trạng giá vé quá cao mà phải nằm trong khung giá quy định”, ông Cường nói.

Theo quy định mới nhất của Bộ GTVT, từ 29/10, hành khách đi máy bay chỉ khai báo y tế điện tử theo quy định “5K”. Cụ thể, ngoài những điều kiện và yêu cầu bắt buộc về y tế như các hướng dẫn trước đây, trong quyết định lần này yêu cầu hành khách khi đi máy bay chỉ khai báo y tế điện tử trên ứng dụng COVID-19 (phần khai báo di chuyển nội địa); khuyến khích hành khách chủ động khai báo từ trước khi làm thủ tục hàng không. Trong trường hợp hành khách không có thiết bị hoặc gặp khó khăn khi sử dụng các thiết bị điện tử thông minh, hãng hàng không có trách nhiệm bố trí nhân lực, thiết bị để hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng và khai báo.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, với việc các hành khách đều được khai báo di chuyển nội địa trên duy nhất 1 ứng dụng cũng sẽ giúp thống nhất và rất thuận lợi để trích xuất dữ liệu di chuyển của hành khách trực tiếp từ ứng dụng PC-COVID. Bên cạnh đó, quy định mới cũng chỉ yêu cầu các hãng hàng không cung cấp danh sách hành khách cho Cảng vụ để chuyển cho địa phương vào 2 khung giờ mỗi ngày (14h và 22h) thay vì trước mỗi chuyến bay như trước đây. Như vậy cũng sẽ giúp thời gian làm thủ tục của hành khách, việc trích xuất dữ liệu cũng nhanh chóng hơn; giảm thiểu áp lực về nhân lực đối với các đơn vị hàng không.

Khách đi tàu chỉ khai báo điện tử

Bộ GTVT vừa tiếp tục ban hành quy định, từ ngày 31/10, hành khách đi tàu chỉ khai báo di chuyển trên PC-COVID, không cần khai theo mẫu phiếu thông tin hành khách. Quyết định 1893 cũng quy định về việc bố trí khách đi tàu đến từ địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 4 được bố trí vận chuyển bằng “khoang riêng” thay vì “toa xe riêng” so với trước đây. Khi xuống tàu, ra ga phải có lối đi riêng hoặc tách nhóm với hành khách đi tàu từ địa phương/khu vực có nguy cơ thấp hơn để hạn chế tiếp xúc.

Đối với quy định trích xuất dữ liệu di chuyển nội địa của hành khách trực tiếp từ ứng dụng PC-COVID, Quyết định 1893 yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải tổng hợp thông tin của hành khách để thông báo cho địa phương nơi ga đến trước khi tàu khởi hành để phối hợp xử lý theo quy định.

Đặng Nhật
.
.
.