Hà Tĩnh cán đích cắm mốc thực địa giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

Thứ Hai, 20/06/2022, 07:18

Tính đến thời điểm này, quá trình cắm mốc thực địa giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành 97,93/102,44km. Đây cũng là địa phương đầu tiên trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông tổ chức bảo vệ thi công công trình để bàn giao mặt bằng cho dự án.

Ngày 17/6, tại thôn Vĩnh Phúc, xã Quang Vĩnh, UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) phối hợp với các đơn vị chức năng, Công an huyện Đức Thọ và Công an xã Quang Vĩnh tiến hành tổ chức lực lượng tham gia bảo đảm ANTT tại khu vực thi công đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đi qua thôn Vĩnh Phúc.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua huyện Đức Thọ dài gần 4,9km, tổng diện tích ảnh hưởng 46ha, diện tích phải GPMB là 32,73ha. Trong đó, bao gồm tuyến đường chính, đường gom, khu TĐC và trạm dừng nghỉ, với 475 hộ ảnh hưởng trên địa bàn 3 xã Yên Hồ, Quang Vĩnh và Thanh Bình Thịnh.

Công tác GPMB, đền bù đã được địa phương này thực hiện theo đúng quy trình, quy định để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tại khu vực thi công đường cao tốc Bắc-Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đi qua thôn Vĩnh Phúc có 10.332,8m2 diện tích đất màu đã được chuyển đổi sang đất công ích thuộc xã Quang Vĩnh quản lý. Sau khi có dự án đường cao tốc Bắc Nam đi qua, UBND xã đã tiến hành bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công công trình đường cao tốc.

Tuy nhiên, một số hộ dân cho rằng diện tích đất nông nghiệp này vẫn thuộc quyền sở hữu của cá nhân mình và đã tập trung đông người gây khó khăn cản trở không cho nhà thầu tiến hành thi công công trình. Mặc dù cấp ủy, chính quyền đã nhiều lần gặp mặt đối thoại giải thích, phân tích rõ cho người dân hiểu nhưng các hộ dân này vẫn không nhất trí và đã tập trung cản trở việc thi công công trình.

Để đảm bảo tiến độ thi công công trình dự án quốc gia qua địa bàn, huyện Đức Thọ đã chỉ đạo UBND xã Quang Vĩnh, ra quyết định điều động lực lượng tham gia bảo đảm ANTT tại khu vực thi công đoạn qua thôn Vĩnh Phúc đảm bảo đúng luật đề ra.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB huyện Đức Thọ cho biết, sau khi bảo vệ, đảm bảo ANTT tại khu vực thi công, huyện chỉ đạo xã Quang Vĩnh tiếp tục bám nắm, theo dõi, hỗ trợ nhà thầu thi công thuận lợi đảm bảo an toàn, đáp ứng tiến độ đề ra. Cá nhân, tổ chức nào cố tình chống đối sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Tĩnh cán đích cắm mốc thực địa giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam -0
Lực lượng Công an bảo đảm ANTT, bảo vệ thi công dự án cao tốc Bắc Nam đoạn qua huyện Đức Thọ.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua Hà Tĩnh có 3 dự án thành phần, gồm đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng với tổng chiều dài 102,44km, đi qua địa bàn 34 xã, thị trấn của 6 huyện, thị xã, gồm: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.

Theo kế hoạch, chủ đầu tư là Ban QLDA Thăng Long (đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng) và Ban QLDA 6 (đoạn cao tốc Vũng Áng – Bùng) sẽ hoàn thành việc bàn giao hồ sơ GPMB và cọc mốc thực địa GPMB cho các địa phương ở Hà Tĩnh có tuyến cao tốc đi qua, trước ngày 30/6 để đảm bảo dự án được khởi công vào tháng 11/2022.

Đến nay, chủ đầu tư đã bàn giao được 97,93/102,44km (tỷ lệ đạt 95,6%) mốc thực địa GPMB 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cho 6 huyện, thị xã của Hà Tĩnh. Đối với gần 4,5km cọc mốc GPMB còn lại, hiện nằm trên địa bàn 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành xong trước ngày 30/6 đúng như kế hoạch đề ra ban đầu.

Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Bãi Vọt - Kỳ Anh cho biết: Để phục vụ thi công dự án, Hà Tĩnh dự kiến thu hồi 900ha đất, di dời 600 hộ dân, 950 ngôi mộ và xây dựng mới 28 khu tái định cư với chi phí cho công tác GPMB khoảng 3.900 tỷ đồng.

Đồng thời với việc tiếp nhận mốc thực địa GPMB từ phía chủ đầu tư, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương nơi dự án đi qua, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan, căn cứ trên cơ sở cọc mốc GPMB mà chủ đầu tư bàn giao để đẩy nhanh công tác kiểm đếm, kiểm kê các loại đất, công trình, kiến trúc nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án.

Cùng với đó, các địa phương đã thực hiện tốt việc tuyên truyền sâu rộng tới bà con nhân dân về chủ trương, ý nghĩa của dự án cũng như công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng. Đặc biệt, thời gian qua, Hà Tĩnh có xảy ra tình trạng cơi nới các công trình trong phạm vi hướng tuyến dự án nhưng chính quyền địa phương đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đến nay, tình trạng này không còn tái diễn.

Cùng với đó, đến nay, Hà Tĩnh cũng là địa phương đã hoàn thành việc quy hoạch các vị trí đổ vật liệu thải phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, trong tháng 5/2022, tỉnh này đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc cho phép chủ đầu tư đổ 8,7 triệu m3 vật liệu thải (không phải là chất thải nguy hại) trong quá trình thi công công trình tại 56 vị trí của 6 huyện, thị xã trên địa bàn có tuyến cao tốc đi qua.

Ngoài ra, từ tính toán của chủ đầu tư 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua Hà Tĩnh, thì nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường phục vụ việc thi công cần khoảng 19,29 triệu m3 đất, cát và đá các loại, tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các đơn vị, địa phương thống nhất lựa chọn 42 mỏ khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh quy hoạch làm nguồn vật liệu xây dựng.

Trong số này, có 16 mỏ đá xây dựng (tất cả đã được cấp giấy phép khai thác), 3 mỏ cát (2 mỏ đã cấp giấy phép khai thác, 1 mỏ nằm trong quy hoạch nhưng chưa cấp phép) và 23 mỏ đất san lấp (11 mỏ đã cấp giấy phép khai thác; 11 mỏ bổ sung quy hoạch, chưa cấp phép khai thác và 1 mỏ đang đề nghị bổ sung quy hoạch).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết thêm, với chiều dài 102,5km của 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đi qua 6 huyện, thị xã thì khối lượng GPMB của Hà Tĩnh là rất lớn. Song thời gian qua, Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện các phần việc phục vụ công tác chuẩn bị triển khai dự án mà Chính phủ và Bộ GTVT giao.

Tới thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đã và đang thực hiện tốt các nội dung theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, đáp ứng tiến độ, chất lượng. Trong thời gian sắp tới, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, khẩn trương tổ chức xây dựng, ban hành hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác GPMB để cấp huyện triển khai; tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch trong phạm vi hướng tuyến; giao các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị các công tác phục vụ cho việc tái định cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật… đảm bảo mục tiêu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11 năm nay và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 theo yêu cầu của Chính phủ.

Thiên Thảo
.
.
.