Gỡ hai vướng mắc lớn tại nhiều dự án cao tốc

Thứ Ba, 23/07/2024, 08:17

Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) tại cuộc họp diễn ra ngày 22/7 kiểm điểm tiến độ các dự án đường cao tốc do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản, mặt bằng và vật liệu hiện là 2 vướng mắc lớn tại nhiều dự án cao tốc.

Không hạn chế nhu cầu đăng ký vốn cho cao tốc

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn cho rằng, hiện quá trình triển khai thi công vẫn còn sự lúng túng trong phối hợp.

Đảm bảo thời gian về đích của dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các ban Quản lý dự án (QLDA) phối hợp xây dựng kế hoạch thi công các hạng mục quyết định tiến độ từng dự án, từ hạ tầng tuyến chính, đường gom, đường dân sinh đến hệ thống trạm dừng nghỉ, ITS (giao thông thông minh, camera, trạm kiểm soát trọng tải xe, hệ thống thu phí).

Ban QLDA chịu trách nhiệm chính trong việc hoàn thành đồng bộ các dự án. Nếu có vướng mắc, các ban phải báo cáo để lãnh đạo Bộ có hướng tháo gỡ, nhất là các dự án thành phần về đích dịp 30/4/2025. Bên cạnh việc quyết liệt phối hợp giải quyết vướng mắc về mặt bằng, chủ đầu tư phải chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công "3 ca, 4 kíp", đảm bảo khối lượng thi công cao nhất trong mùa khô. Nhà thầu không đảm bảo phải điều chuyển khối lượng ngay.

go-vuong.jpg -0
Các Ban Quản lý dự án cao tốc phải bám sát từng ngày, từng giờ đối với một số vị trí chưa đạt yêu cầu về tiến độ.

Đặc biệt quan tâm đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, Bộ GTVT yêu cầu dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải giải ngân 100% vốn được giao. Các ban có khả năng đẩy nhanh tiến độ phải bổ sung đăng ký theo nhu cầu, không hạn chế khối lượng đăng ký. Một số ban QLDA có nhu cầu vốn cần sớm trình Vụ chuyên môn báo cáo lãnh đạo Bộ theo thẩm quyền để thực hiện điều hòa ngay, tạo điều kiện cho nhà thầu yên tâm thi công. Riêng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, phải tích cực giải ngân hết, trường hợp bất khả kháng do nguyên nhân khách quan phải kịp thời báo cáo để điều hòa sang các dự án đang triển khai.

Về vấn đề giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 85 phối hợp với địa phương đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng, chậm nhất tháng 9/2024 bàn giao 100%, đảm bảo thời gian hoàn thành năm 2025. Về nguồn vật liệu thi công, ban quản lý dự án phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng nghiên cứu các thủ tục trong trường hợp sử dụng đất đắp từ dự án sân bay Long Thành cho dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đảm bảo nguồn vật liệu hỗ trợ cho dự án.

Đối với dự án đường bộ cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, công tác giải phóng mặt bằng phải rốt ráo hơn nữa. Các vụ, cục chuyên ngành của Bộ phải phát huy trách nhiệm cao nhất giải quyết kịp thời các kiến nghị của các ban QLDA, không để ứ đọng, ảnh hưởng tiến độ chung của dự án. Trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu xảy ra tình trạng chậm.

Vẫn còn một số đoạn chưa giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu

Báo cáo kết quả giải ngân tại cuộc họp, ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, trên tổng số 62.600 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, tính đến ngày 15/7/2024, Bộ GTVT giải ngân được khoảng 27.500/62.600 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch được giao. Trong đó, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân gần 2.700 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch. Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân 16.765 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch, phù hợp với tiến độ yêu cầu.

cao-toc.jpg -0
Các Ban Quản lý dự án cao tốc phải bám sát từng ngày, từng giờ đối với một số vị trí chưa đạt yêu cầu về tiến độ.

Về tiến độ thi công các dự án, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, mặt bằng và vật liệu vẫn là hai vướng mắc lớn tại nhiều dự án. Trong đó, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, 5 dự án thành phần từ Bãi Vọt đến Cam Lộ đang vướng chuyển đổi đất sử dụng và cấp cát xử lý nền đất yếu (Vũng Áng - Bùng), một số đoạn chưa giải phóng mặt bằng (Vạn Ninh - Cam Lộ). 5 dự án thành phần từ Quảng Ngãi đến Nha Trang phải chờ nghị quyết chuyển mục đích sử dụng rừng (Hoài Nhơn - Quy Nhơn); mặt bằng “xôi đỗ”, hạ tầng kỹ thuật chưa di dời (Quy Nhơn - Chí Thạnh; Chí Thạnh - Vân Phong). 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau còn thiếu 10,5 triệu m3 vật liệu các loại.

Với dự án cao tốc trục ngang Biên Hoà - Vũng Tàu, dự án thành phần 2 qua tỉnh Đồng Nai đến nay mới được bàn giao được khoảng 7,65km mặt bằng (đạt 42%). Mặt bằng có thể thi công được khoảng 5,45km (đạt 30%). Công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các khu tái định cư vẫn tiến triển chậm. Tại dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, địa phương đã bàn giao mặt bằng khoảng 254ha, đạt 79%. Phạm vi còn vướng chủ yếu thuộc rừng tự nhiên.

Trước đó, đoàn công tác Bộ GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu tiếp tục kiểm tra tiến độ các dự án cao tốc qua địa phận tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Tại nút giao Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), báo cáo với Bộ trưởng, ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (đại diện chủ đầu tư 2 dự án thành phần Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh) thông tin, cao tốc Vũng Áng - Bùng dài hơn 55km, đi qua Hà Tĩnh (gần 13km) và Quảng Bình (hơn 42km), tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Cao tốc Bùng - Vạn Ninh dài gần 49km đi qua Quảng Bình có tổng mức đầu tư gần 9.400 tỷ đồng.

Theo tính toán, cả hai dự án có thể đưa vào khai thác đồng thời vào dịp 30/4/2025. Tuy nhiên, đại diện tư vấn giám sát gói thầu cho biết, ở đoạn 2km nền đất yếu do còn thiếu khoảng 100.000m3 cát để thi công giếng cát và đắp nền. Vì thế, nếu không có cát khả năng đoạn này khó xong trước 30/4/2025. Để hoàn thành được theo đúng tiến độ, mục tiêu đề ra, Bộ GTVT yêu cầu, đoạn nào liên quan đến nền đất yếu thì phải ưu tiên nguồn cát về đó trước. Không thể vì 2km nền đất yếu mà chờ cả tuyến vì vật liệu không phải là vấn đề khó khăn ở dự án này, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Đặng Nhật
.
.
.