TP Hồ Chí Minh:

Giao thông ùn ứ tại nhiều điểm giao nhau giữa đường sắt và đường bộ

Thứ Bảy, 19/10/2024, 07:24

Tại cuộc họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vừa qua, ông Hoàng Phúc Dũng, Phó trưởng Phòng Khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố cho biết, đường sắt từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn (ga Hòa Hưng, phường 9, quận 3), đoạn tuyến địa bàn thành phố có chiều dài khoảng 14 km, đi qua TP Thủ Đức và các quận: quận 3, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận; có 24 vị trí đường bộ giao cắt đồng mức với đường sắt; không có đường ngang dân sinh giao cắt trực tiếp với đường sắt.

Đại diện Sở GTVT cho rằng, do các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt là giao cắt đồng mức, vì vậy khi tàu lưu thông qua các vị trí giao cắt này (đường ngang Tô Ngọc Vân, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Văn Trỗi, Đỗ Thị Lời...), thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm, lễ, Tết.

Ông Hoàng Phúc Dũng cho biết, trong thời gian qua, Sở GTVT thành phố đã phối hợp với ngành đường sắt và các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp. Tuy nhiên, do số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng. Tính đến tháng 9/2024, TP Hồ Chí Minh quản lý 9.425.596 phương tiện; trong đó, có 989.505 ôtô và 8.436.091 môtô. So với cùng kỳ năm 2023, tổng số phương tiện đang quản lý tăng 4,77%.

Giao thông ùn ứ tại nhiều điểm giao nhau giữa đường sắt và đường bộ -0
Ùn ứ giao thông tại điểm đường sắt giao nhau với quốc lộ 13 trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. 

Trong khi đó, hệ thống hạ tầng GTVT hành khách công cộng chưa đáp ứng; chưa có loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro và chưa triển khai giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân, là nguyên nhân làm gia tăng áp lực cho hệ thống hạ tầng giao thông thành phố.

Sở đang tiếp tục phối hợp ngành đường sắt để kiểm tra, rà soát thời gian đóng tàu cho phù hợp với quy định, đồng thời tiếp tục bố trí lực lượng điều tiết giao thông trong giờ cao điểm và dịp lễ, Tết. Tuy niên, đây chỉ là giải pháp tình thế tạm thời, về lâu dài, nhiều người cho rằng nên dời ga Sài Gòn ra ga Bình Triệu nằm trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, thậm chí là dời đến ga Sóng Thần (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Nhiều lần có mặt tại điểm giao nhau giữa đường sắt và quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Chánh) ngay gần ga Bình Triệu vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, phóng viên ghi nhận các phương tiện giao thông rất đông đứng chờ đoàn tàu đi qua. Từ lúc nhân viên ga tàu đóng rào chắn barie đến khi tàu chạy qua, người tham gia giao thông đợi khoảng từ 15 - 20 phút.

Còn tại ngã tư chùa Quang Minh, đường Trần Hữu Trang, phường 10, quận Phú Nhuận, khu vực này chợ đông đúc và người điều khiển phương tiện và đi bộ băng ngang qua đường ray tàu hỏa. Điểm giao cắt đường sắt với đường Trần Hữu Trang và Nguyễn Văn Trỗi cũng thường xuyên trong tình trạng giao thông đông đúc.

Nguyễn Cảnh
.
.
.