Giải pháp nào ngăn “ma men” lái xe dịp cuối năm?

Chủ Nhật, 11/12/2022, 08:47

Thời gian qua, tại Việt Nam, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) nhưng hàng năm vẫn có gần 7.000 người thiệt mạng do TNGT. Chỉ riêng 11 tháng đầu năm nay, TNGT đã cướp đi hơn 6.000 người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một trong 5 nguyên nhân cơ bản trực tiếp dẫn đến TNGT là vi phạm nồng độ cồn. Tại buổi tọa đàm “Cách nào ngăn ma men lái xe dịp cuối năm” diễn ra chiều 9/12 do Báo Giao thông tổ chức, các chuyên gia đã hiến kế nhằm tìm kiếm các giải pháp phòng ngừa người điều khiển phương tiện sử dụng đồ uống có cồn tham gia giao thông.

Uống rượu rồi lái xe – một hành vi nguy hiểm

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 11 tháng đầu năm 2022, các vụ TNGT rất nghiêm trọng trở lên đã xảy ra 305 vụ, chiếm 2,98% trong tổng số vụ, làm chết 642 người. Trong đó, TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là 25/305 vụ, làm chết 82 người, làm 40 người bị thương.

Giải pháp nào ngăn “ma men” lái xe dịp cuối năm? -0
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của lái xe.

Phân tích các vụ TNGT từ rất nghiêm trọng trở lên, TNGT có liên quan đến nồng độ cồn là 11/305 vụ (chiếm 3,6%) làm 24 người chết, 14 người bị thương. So với thời điểm năm 2019, trước khi có dịch COVID-19, các vụ từ rất nghiêm trọng trở lên đã giảm cả 3 tiêu chí: 13,59 % về số vụ, 2,95% về số người chết và giảm 46,31% về số người bị thương.

PGS.TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng nhìn nhận: Một trong những nguyên nhân gây TNGT trầm trọng là uống, sử dụng rượu bia khi lái xe. Ở Việt Nam, tình trạng này kéo dài khá lâu. Các kết quả nghiên cứu, theo dõi, đánh giá của lực lượng chức năng cho thấy, tỉ lệ vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện rất cao.

 “Chúng ta đã có Luật Phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 và Nghị định 100, các quy định này đã làm thay đổi hành vi của nhiều lái xe, tỉ lệ sử dụng rượu bia đã giảm bớt, cho thấy một số dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, qua các đánh giá nghiên cứu của chúng tôi, hiện có 2 điểm vẫn còn phức tạp: Việc sử dụng rượu bia của Việt Nam thực ra không thay đổi nhiều sau khi có luật và tỉ lệ sử dụng rượu bia trên thị trường vẫn nhiều. Nhiều người uống bia rượu vẫn tham gia giao thông, sử dụng các phương tiện khác. Đây là hành vi rất nguy hiểm”, PGS.TS Phạm Việt Cường chia sẻ.

Ông Phạm Việt Công, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia bày tỏ: Hiện nay, tình trạng uống rượu bia rồi lái xe vẫn xảy ra vì tỷ trọng người uống rượu bia rất lớn. Ngoài ra, với số lượng tuyến đường và phương tiện cá nhân lớn, việc kiểm soát của lực lượng chức năng với vi phạm này cũng là vấn đề lớn.

Với vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, ngoài sử dụng những phương tiện đo nồng độ cồn, phạt nguội thì chế tài xử phạt hành vi này vẫn chưa đủ tính răn đe. Ý thức của một số người dân vẫn coi thường pháp luật. Nhiều quốc gia có quy định lứa tuổi, khu vực được phép bán, giờ mở cửa.... đối với mặt hàng rượu bia.

Chế tài của chúng ta hiện nay vẫn chỉ phạt tiền và một số phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe khi phát hiện hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện. Ngoài ra, cứ đến dịp lễ hội, ta sẽ thấy TNGT, lượng người sử dụng rượu bia đều tăng cao. Vì thời điểm đó, mọi người được cho phép mình nghỉ ngơi. Các dịp liên hoan cuối năm cao nên lượng người sử dụng rượu bia cũng tăng đột biến, khiến số lượng vi phạm cũng tăng lên. Chưa kể thời điểm đó, thị trường khuyến mại, quảng cáo nở rộ đều khuyến khích mọi người liên hoan và đây là thực trạng.

Giải pháp nào ngăn “ma men” lái xe dịp cuối năm? -0
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của lái xe.

Kiến nghị tăng mức xử phạt

Tại buổi tọa đàm, nói về khó khăn khi xử lý các trường hợp tài xế sử dụng rượu bia vẫn lái xe, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Điều tra và giải quyết TNGT, Cục CSGT chia sẻ: Giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch, CSGT gặp rất nhiều khó khăn vì tình hình dịch COVID-19 vẫn phức tạp. Thời điểm đó, Công an địa phương đang tập trung vào phòng, chống dịch nên kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn chưa cao.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã tiến triển, công tác tuần tra kiểm soát đang được các địa phương tăng cường, tập trung tối đa phương tiện, nhân lực. Song, tại một số địa phương, công tác này chưa tương ứng với tình hình thực tế, do đó, kết quả xử lý vi phạm chưa cao. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa chủ động điều tra, bám sát địa bàn ăn uống, chưa thay đổi phương pháp tuần tra. Hơn nữa, cũng có nhiều người tham gia giao thông có hành vi chống đối lực lượng chức năng.

Cũng theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, để ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự ATGT, nhất là hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, có nhiều giải pháp, sáng kiến của người dân, lực lượng chức năng, nhưng để hoàn thiện và đưa vào hệ thống pháp luật thì cũng cần thời gian, lộ trình. Làm sao phải áp dụng, tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT tới từng đối tượng, vùng miền, trình độ dân trí bằng những cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận, dễ thực hiện.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cũng bày tỏ: “Tôi cũng là người tham gia giao thông, có những khi đưa con đến trường học, bản thân bố mẹ đưa con đi nhưng cả bố mẹ cả con không đội mũ bảo hiểm. Khi bố mẹ, ông bà không có tính nêu gương thì ý thức của đứa trẻ cũng sẽ khác với những đứa trẻ mà bố mẹ có ý thức chấp hành. Chúng ta có thể ngăn chặn hành vi từ khi chưa gây ra hậu quả. Quy định hiện hành đã rõ. Vi phạm có khả năng thực tế dẫn đến TNGT gây nguy hại tính mạng người khác cũng sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị phạt tù từ 3 tháng - 1 năm.”

Ông Phạm Việt Công nhấn mạnh thêm: “Theo tôi, quan trọng là phòng ngừa. Phải làm sao để văn hoá giao thông đến với từng nhà. Người tham gia giao thông nhiều khi không chỉ đi một mình mà đi với cả gia đình, nắm trong tay sinh mạng của cả gia đình.” Nhiều người uống xong vẫn cho rằng mình chưa say, mình lái được. Do đó, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, cần xử lý cao hơn về tiền, đồng thời tuyên truyền phải làm sao để thay đổi ý thức của người dân, tuyên truyền mạnh về chế tài xử phạt.

Đặng Nhật
.
.
.