Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh vẫn ngổn ngang sau hơn một năm khởi công

Thứ Bảy, 10/08/2024, 07:08

Là công trình trọng điểm, nhưng đến nay Dự án đường Vành đai 3 vẫn đang ngổn ngang. Tính đến ngày 20/7, khối lượng xây dựng đoạn qua địa bàn TP Hồ Chí Minh mới đạt khá thấp. Trong khi đó, mục tiêu đề ra với dự án này là cơ bản hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Với chiều dài lên đến 47,35km, đoạn Vành đai 3 chạy qua địa bàn thành phố có tổng cộng 14 gói thầu xây lắp, gồm 10 gói thầu xây lắp chính và 4 gói thầu phục vụ vận hành, khai thác.

Trong số này, 4 gói thầu xây lắp chính đã được khởi công từ tháng 6/2023, song khối lượng đã thực hiện mới đạt khoảng 1.486 tỷ trong tổng số 7.080 tỷ đồng, tương ứng với 21% giá trị xây lắp. Với 6 gói thầu xây lắp chính còn lại, khối lượng thi công mới đạt khoảng 806 tỷ trong tổng giá trị 9.492 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,5% giá trị xây lắp. Riêng với 4 gói thầu phục vụ vận hành, khai thác, hiện việc thẩm định, phê duyệt thiết kế vẫn đang được tiến hành, việc khởi công được dự kiến vào tháng 12 tới.

vanh dai 3.jpg -0
Thi công mố cầu cạn trên đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Đoạn qua tỉnh Đồng Nai có 5 gói thầu xây dựng với 3 gói thầu xây lắp chính thì 2 gói thầu xây lắp đã triển khai cũng mới chỉ đạt khối lượng thực hiện là 100 tỷ trong tổng số 2.191 tỷ đồng, tương đương với khoảng 4,56% giá trị xây lắp. Gói còn lại hiện mới chỉ dừng ở bước lựa chọn nhà thầu. Đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai cần phải thu hồi 65ha, nhưng địa phương cũng mới chỉ thu hồi được hơn 21,2ha. Đoạn chạy qua tỉnh Bình Dương gồm 4 gói thầu xây lắp và 3 gói thầu đã được khởi công năm ngoái, song khối lượng thi công mới đạt 13,78% giá trị hợp đồng.

Riêng gói thầu xây dựng nút giao Tân Vạn tuy đã được động thổ vào tháng 4 vừa qua, nhưng đến nay vẫn đang phải chờ tiếp nhận bàn giao mặt bằng và tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công. Đến nay việc thu hồi đất để phục vụ dự án của tỉnh Bình Dương cũng mới đạt 90,9% diện tích.

Đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Long An tuy chỉ có chiều dài hơn 6,8km, gồm 3 gói thầu xây lắp, đã được khởi công hơn 1 năm, đến nay khối lượng thi công cũng mới chỉ đạt 35,1% giá trị hợp đồng. Đoạn chạy qua địa bàn TP Hồ Chí Minh có 218 vị trí bị ảnh hưởng bởi hệ thống điện, nước, viễn thông cần di dời và thành phố đặt mục tiêu hoàn thành vào tháng 12 tới. Đoạn qua tỉnh Đồng Nai có 19 vị trí điện cao thế cần di dời, tỉnh Bình Dương có 15 vị trí, nhưng hiện mới dừng lại ở bước lập hồ sơ thiết kế phục vụ di dời.

Theo Ban Giao thông TP Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 7 vừa qua, diện tích đất đã thu hồi của tỉnh Đồng Nai mới chỉ đạt 32,63% trong số 65ha phải giải tỏa để phục vụ dự án. Bình Dương cũng mới đạt khoảng 91%. Tại TP Hồ Chí Minh sau 1 năm khởi công dự án, vẫn còn 16 hộ dân với diện tích hơn 2,6ha chưa được bàn giao nên TP Thủ Đức đang lập hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất của 14 trường hợp và huyện Bình Chánh lập thủ tục cưỡng chế đối với 2 trường hợp.

Số trường hợp chưa đồng ý bàn giao còn cao hơn nhiều và đây đều là những trường hợp phức tạp, khó khăn, không đồng thuận về giá, về nguồn gốc đất, khiếu kiện tới nhiều cấp, mất nhiều thời gian đối thoại, trả lời. Các địa phương đang phải lập hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ đã chi trả cho người dân cũng mới chỉ là 8,55 nghìn tỷ đồng, đạt 84,5% so với phê duyệt.

TP Thủ Đức còn vướng 67 hộ dân nên chưa thể triển khai thi công, gồm 18 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, 49 hộ dân thuộc 3 tổ chức là Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc, Dự án của Công ty Thành phố Xanh và KCN vật liệu xây dựng Long Sơn. Ngoài ra, còn có 14 trường hợp đã bàn giao đất nhưng thực tế nhà thầu thi công chưa thể tiếp nhận mặt bằng hoặc đã tiếp nhận mặt bằng nhưng chưa thể thi công.

Bình Chánh còn 37 trường hợp đã bàn giao mặt bằng. Có 16 hộ nhận khoán của Công ty TNHH MTV Cây trồng thành phố không đồng ý bàn giao mặt bằng, 20 trường hợp đã ký biên bản cam kết di dời nhưng vẫn chưa di dời.

Các hộ dân được nhận suất tái định cư là căn hộ chung cư cũng vậy. TP Thủ Đức có 54 trường hợp, nhưng hiện người dân chưa được bàn giao căn hộ và cũng chưa xác định khi nào mới được nhận căn hộ. Huyện Củ Chi có 18 trường hợp tái định cư bằng nền đất và 24 trường hợp tái định cư bằng căn hộ chung cư. Tuy nhiên do UBND huyện Củ Chi đang lập quy hoạch 1/500 nên chưa thể bố trí giao nền, cấp sổ hồng và cấp phép xây dựng cho người dân. Long An có 127 trường hợp đủ điều kiện tái định cư, nhưng đến thời điểm này, Long An vẫn đang phải hoàn tất các thủ tục liên quan xây dựng khu tái định cư.

Khi triển khai dự án đường Vành đai 3, ngoài đơn vị tư vấn, chủ đầu tư còn thuê cả Viện Sinh thái học miền Nam để tiến hành điều tra xã hội học giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Riêng giai đoạn 3 thực hiện sau khi hoàn thành việc bồi thường nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Dù vậy, từ phương án phê duyệt là 630 trường hợp đủ điều kiện bố trí tái định cư tại TP Hồ Chí Minh, đến khi thực tế triển khai chỉ còn 409 trường hợp, giảm tới hơn 1/3, cho thấy căn cứ để lập dự án thiếu chính xác. Đoạn chạy qua TP Hồ Chí Minh, tổng số tiền được dự kiến bồi thường tái định cư lên đến 25.600 tỷ đồng.

Thời điểm TP Hồ Chí Minh phê duyệt dự án vào tháng 12/2022, tổng kinh phí được chốt ở mức còn 18.906 tỷ đồng. Thực tế TP Thủ Đức chỉ cần số tiền 6.225 tỷ đồng, huyện Củ Chi cần 1.718 tỷ đồng, huyện Hóc Môn cần 1.614 tỷ đồng, huyện Bình Chánh cần 1.687 tỷ đồng nên tổng số tiền bồi thường tiếp tục giảm thêm 7.206 tỷ đồng. Dự trù thừa tiền cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhưng nhiều người dân vẫn không đồng thuận trong bàn giao mặt bằng. Đây là nghịch lý đang xảy ra ở dự án trọng điểm này.

Bảo Sơn
.
.
.