Đường sắt Việt Nam kỳ vọng sự khởi sắc

Thứ Ba, 02/07/2024, 04:58

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 26/6/2024 phê duyệt “Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025”. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025, toàn Tổng Công ty hợp nhất, giá trị sản lượng và doanh thu tăng bình quân hàng năm so năm trước liền kề từ 7%-8%. Đảm bảo đời sống việc làm cho người lao động. Công ty mẹ - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam doanh thu tăng bình quân hàng năm so năm trước liền kề từ 14%.

Hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt trong năm 2024

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, lượng khách đi tàu Hà Nội-Lào Cai tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ, đạt khoảng 70.000 hành khách, đây là con số rất đáng khích lệ từ sau đại dịch COVID-19 đến nay. Không riêng gì tuyến đường sắt nói trên, kể từ đầu năm 2024 đến nay, ngành Đường sắt đã có những chuyển biến tích cực để đẩy mạnh phát triển ngành hơn nữa trong năm 2024.

nhatrangsaigon.jpg -0
Đường sắt Việt Nam đang ngày càng hút khách trở lại.

Để củng cố hơn cho sự “hồi sinh” của ngành đường sắt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 26/6/2024 phê duyệt “Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025”.  Mục tiêu của Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025 nhằm tiếp tục đổi mới sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt cơ cấu, quy mô tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động, đảm bảo phát triển tổng công ty bền vững và từng bước hiện đại. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025, toàn Tổng Công ty hợp nhất: Giá trị sản lượng và doanh thu tăng bình quân hàng năm so năm trước liền kề từ 7%-8%. Đảm bảo đời sống việc làm cho người lao động. Công ty mẹ - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam doanh thu tăng bình quân hàng năm so năm trước liền kề từ 14%.Về kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại công ty mẹ, các đơn vị thành viên giai đoạn đến hết năm 2025, Đề án nêu rõ: Duy trì công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Giữ nguyên mô hình tổ chức của Trung tâm Điều hành giao thông vận tải đường sắt; các chi nhánh khai thác đường sắt, các chi nhánh xí nghiệp đầu máy và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc công ty mẹ. Đề án cũng nêu rõ, công ty mẹ thoái toàn bộ phần vốn góp tại 13 công ty cổ phần khác. Về khối vận tải, tiến hành sắp xếp đối với Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo tại Văn bản số 303/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tiến hành hợp nhất hai doanh nghiệp này thành một công ty cổ phần vận tải đường sắt hoàn thành trong năm 2024.

Cần hơn 367.000 tỷ đồng đầu tư đồng bộ đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội

Liên danh tư vấn lập quy hoạch Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) – Trung tâm Tư vấn Đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) đã đề xuất phương án quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội có 10 tuyến gồm 5 tuyến hiện có và 5 tuyến xây dựng mới. Với tuyến hiện có, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng tại khu đầu mối Hà Nội có điểm đầu là ga Gia Lâm (giai đoạn trước khi hình thành vành đai phía Đông), ga Lạc Đạo (sau khi xây dựng và khai thác tuyến vành đai phía Đông) thuộc xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Điểm cuối là ga Tuấn Lương (xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Tuyến được định hướng tiếp tục duy trì loại hình đường đơn, khổ đường 1000mm. Chiều dài tuyến trong phạm vi khu đầu mối hiện nay khoảng 27km, sau khi chuyển đổi đoạn Gia Lâm - Lạc Đạo sẽ giảm còn 7,7km. Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn có điểm đầu là ga Hà Nội (trước khi bàn giao tuyến xuyên tâm cho TP Hà Nội), ga Yên Viên (sau khi xây dựng và khai thác tuyến vành đai phía Đông). Điểm cuối là ga Bắc Ninh. Chiều dài tuyến hiện có trong khu đầu mối là 18,05km; sau khi cải tạo là 21,45km. Tuyến được định hướng xây dựng tuyến đường đôi trên cơ sở làm mới một đường khổ 1435mm bên cạnh tuyến đường đơn hiện tại khổ lồng 1000mm và 1435mm. Tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên có điểm đầu là ga Đông Anh (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội), điểm cuối là ga Quán Triều (Thái Nguyên). Chiều dài tuyến trong khu đầu mối là 53,50km. Tuyến sẽ tiếp tục duy trì loại hình đường đơn, khổ lồng 1000mm và 1435mm đối với đoạn Đông Anh - Lưu Xá. Đoạn Lưu Xá - Quán Triều hiện tại là đường đơn khổ 1000mm, sẽ nâng cấp thành đường lồng 1000mm và 1435mm để thống nhất toàn tuyến. Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai có điểm đầu là ga Yên Viên; điểm cuối là ga Lào Cai; có nối ray với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc). Chiều dài tuyến trong khu đầu mối là 20,05km. Định hướng quy hoạch tuyến tiếp tục duy trì loại hình đường đơn, khổ đường 1000mm. Tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh có điểm đầu là ga Hà Nội (hiện tại), ga Ngọc Hồi (sau khi xây dựng và khai thác tổ hợp Ngọc Hồi và tuyến vành đai phía Đông); điểm cuối là ga Sài Gòn (Hoà Hưng). Chiều dài tuyến trong khu đầu mối là 43,36km….

 Riêng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hiện đang được nghiên cứu, với chiều dài hướng tuyến trong khu đầu mối TP Hà Nội khoảng 65km. Điểm đầu: Ga đường sắt tốc độ cao tại tổ hợp Ngọc Hồi, kết nối tàu đường sắt tốc độ cao vào ga trung tâm Hà Nội bằng tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội. Điểm cuối tại Km65+060 thuộc địa phận tỉnh Hà Nam. Đoạn qua Hà Nội có chiều dài khoảng 28,71km, bố trí một ga là ga Ngọc Hồi.

Theo đó, ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) là ga đầu mối khu vực phía Nam cho đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia. Ga được xây dựng trong khu tổ hợp Ngọc Hồi, là ga đầu mối phía Nam với chức năng chính là đón gửi, lập tàu khách và tàu hàng cho các tuyến đường sắt phía Nam sông Hồng. Quy mô: Quảng trường ga 3,95ha; khu vực ga đường sắt tốc độ cao 8ha. Cùng đó là khu vực ga khách đường sắt quốc gia thường 14,6ha; khu vực ga hàng hóa; các xí nghiệp đầu máy, toa xe khách, toa xe hàng; Depot đường sắt tốc độ cao... Tư vấn đề xuất sơ bộ khái toán tổng mức đầu tư đường sắt khu đầu mối TP Hà Nội là 367.380 tỷ đồng.

Phạm Huyền
.
.
.