Đường đẹp, rộng cộng với chủ quan thành... tai họa
Trước đó 2 ngày, vào chiều 23/7, tại địa bàn xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, cách hiện trường vụ tai nạn trên khoảng 40km cũng đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông làm 2 người tử vong. Vào thời điểm trên, xe khách mang BKS 65B-004.95 lưu thông theo hướng TP Hồ Chí Minh đi Đắk Lắk và xe máy mang BKS 60K6-1088 lưu thông theo chiều ngược lại đã tông trực diện vào nhau. Hậu quả, người điều khiển xe máy là ông Điểu Phương (45 tuổi) và người ngồi sau là ông Điểu Lô (67 tuổi, cùng trú tại xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức) chết tại chỗ.
![]() |
Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Nông làm 2 người chết. |
Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân cốt lõi làm xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian gần đây trên tuyến đường này là do ý thức của người dân như: Đi không quan sát, đi sai phần đường, chuyển hướng không quan sát kỹ. Còn cánh lái xe và người tham gia giao thông thì cho rằng, vì đường làm rộng, đẹp, nhưng biển cảnh báo, cũng như biển hạn chế tốc độ còn hạn chế nên người điều khiển phương tiện chủ quan chạy nhanh, vượt ẩu dẫn đến khi gặp chướng ngại vật hay tình huống bất ngờ thì sẽ không xử lý kịp.
Đại tá Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Đơn vị thường xuyên cử lực lượng tuần tra trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nhất là đoạn từ giáp địa bàn tỉnh Gia Lai đến TP Hồ Chí Minh, xử phạt cũng nhiều nhưng tai nạn vẫn gia tăng, nhất là các vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Điều đó cho thấy ý thức chấp hành của một số người dân vẫn chưa cao. “Hiện chúng tôi đang tăng cường lực lượng, thời gian tuần tra sẽ phủ kín 24/24h, tập trung xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia quá nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng để hạn chế tai nạn xảy ra”, Đại tá Đức nói.
Còn theo Đại tá Hồ Công Hoa, Trưởng phòng CSGT tỉnh Đắk Nông cho rằng: Qua phân tích, đánh giá một số vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh thì một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là sự hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của các đối tượng tham gia rất kém. Người dân vẫn giữ thói quen tuỳ tiện, bất cẩn. Hơn nữa, sau khi cải tạo nâng cấp, đường rộng và thông thoáng hơn nên người dân chủ quan, chạy tốc độ quá cao.
“Nhằm thực hiện tốt hơn việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các tỉnh Tây Nguyên cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục trên tinh thần linh hoạt, gần dân, mang lại hiệu quả cao để mọi người ngày càng có thêm kiến thức, ý thức, văn hóa trong việc tham gia giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Cùng với đó, các địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý, trong đó chú trọng đẩy mạnh kiểm soát phương tiện và người tham gia giao thông nhằm kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm…”, Đại tá Hoa khuyến cáo.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGTQG, trong 6 tháng đầu năm 2015, tại các tỉnh Tây Nguyên đã xảy ra 422 vụ tai nạn giao thông, làm 420 người chết và 283 người bị thương. Trong đó, Gia Lai là địa phương có số vụ tai nạn giao thông tăng đột biến với 124 vụ (tăng 27 vụ), khiến 147 người chết (tăng 34 trường hợp) so với cùng kỳ, chiếm 30,1%. Tiếp đến là Đắk Lắk, với 123 vụ, khiến 137 người chết, làm 55 người bị thương. Ngoài con số trên, Ủy ban ATGTQG còn có thống kê riêng về tình hình tai nạn trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua 5 tỉnh Tây Nguyên. Chỉ tính đến quý I/2015, trên đoạn đường này đã xảy ra 31 vụ tai nạn, làm 23 người chết và 23 người bị thương. |