Đường cao tốc phát triển, trạm dừng chân ế ẩm

Thứ Hai, 02/02/2015, 08:53
Không một ai nghĩ đến một ngày kia, đường cao tốc phát triển tuy từng đoạn trong phạm vi 50km theo đường chim bay với quãng thời gian cực ngắn, các phương tiện lưu thông chọn đường cao tốc để đi, các trạm dừng chân lâm vào cảnh ế ẩm chưa từng có.

Khi các dự án đường cao tốc còn nằm trên bàn giấy thì các các trạm dừng chân đã xuất hiện dọc dài theo tuyến QL1A, QL51, QL20 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Riêng đường về miền Tây, dọc theo QL1A qua huyện Cai Lậy, Cái Bè trạm dừng chân cũng thi nhau “trăm hoa đua nở”. Đặc biệt vào thời hoàng kim các hãng lữ hành như Mai Linh, Phương Trang, Kumho, Thành Bưởi… tăng đầu xe, tăng chuyến, xe giường nằm phát triển rầm rộ, các hãng xe bắt đầu đầu tư xây dựng trạm dừng chân để đón trả khách liên tỉnh và “bao” trọn gói hành trình từ ăn uống, giải khát, siêu thị mua sắm, nhà nghỉ, cây xăng dầu…

Không một ai nghĩ đến một ngày kia, đường cao tốc phát triển tuy từng đoạn trong phạm vi 50km theo đường chim bay với quãng thời gian cực ngắn, các phương tiện lưu thông chọn đường cao tốc để đi, các trạm dừng chân lâm vào cảnh ế ẩm chưa từng có.

Tổng Công ty Tín Nghĩa đầu tư 2 trạm dừng chân Xuân Lộc và Tân Phú đạt chuẩn trạm dừng xe loại I theo quy định của Bộ GTVT. Trạm dừng Tân Phú nằm trên QL20, tại địa bàn xã Phú Sơn, huyện Tân Phú (Đồng Nai), diện tích hơn 3,2ha, tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng. Trạm dừng có 5 công trình như: trạm xăng 201m² với 8 trụ bơm, trạm bảo trì rộng 226m², hai nhà hàng diện tích 4.570m², nhà nghỉ với 24 phòng và 1 siêu thị mini 792m2. Với phương tiện và hành khách, lưu thông theo tuyến QL20, đến Nam Cát Tiên, Đà Lạt thì đây là một nơi dừng xe nghỉ ngơi, kiểm tra phương tiện, mua sắm, ẩm thực lý tưởng.

Còn trạm dừng  Xuân Lộc trên tuyến QL1A tại xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, có diện tích hơn 2,5ha, hoạt động từ năm 2011, cũng bao gồm các khối dịch vụ liên hoàn như trạm xăng dầu, nhà hàng, siêu thị, trạm bảo trì, nhà nghỉ… là điểm dừng chân lý tưởng cho các tour du lịch đường dài trên tuyến quốc lộ Bắc - Nam. Bên cạnh đó còn các trạm dừng xe do tư nhân đầu tư khá bài bản về cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ như: Trạm dừng chân Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom); Lê Hoàng, Hưng Phát, Hưng Lộc (huyện Thống Nhất); Đại Phú (huyện Xuân Lộc)…

Trạm dừng chân Mai Linh và mô hình trạm trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Trên QL51, cụm từ “bò sữa Long Thành” gắn với tên tuổi Trạm dừng chân Mekong Long Thành (xã Tam Phước, TP Biên Hòa) do Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy (Trung Thuy Group) và Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đầu tư, hoạt động từ tháng 3/2012. Trạm rộng gần 3ha với số vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, bao gồm hệ thống nhà hàng, trung tâm hội nghị có sức chứa khoảng 1.000 người và nhiều dịch vụ khác. Trạm dừng chân là dịch vụ công cộng, nơi tài xế và hành khách có chỗ để nghỉ ngơi, ăn uống, mua sắm, vệ sinh...

Khi đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương bắt đầu đưa vào khai thác và tương lai không xa sẽ là hàng loạt đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Nha Trang, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Cần Thơ… đưa vào khai thác hoạt động, sẽ dẫn đến nhiều trạm dừng chân hiện hữu trên tuyến QL1A, QL51, QL20… đã và đang rơi vào cảnh ế ẩm vì mất một lượng khách rất lớn trên hành trình không dừng chân.

Chị Lê Thị Liên, một tiểu thương tại Trạm bò sữa Long Thành (xã An Phước, Long Thành, Đồng Nai) buồn rầu chia sẻ: Trước đây ngày nào cũng đông nghẹt khách du lịch, còn giờ hai ngày cuối tuần mà cũng lèo tèo vài người… Đa số đã phải đóng cửa, dẹp tiệm. Hơn 60 chục sạp bán trái cây, bánh kẹo các loại giờ chỉ còn mấy sạp cầm cự… Ngoài chiếc xe gia đình chúng tôi 6 người, trong trạm chỉ có hơn 5 xe loại 4 đến 7 chỗ ghé. Để tồn tại, một số chủ đầu tư mở thêm các trạm dừng chân mới đón luồng đường cao tốc giao nhau, xây dựng các điểm kinh doanh mới nhưng cũng than ngắn thở dài. Chủ đầu tư phải hạ giá thuê sạp từ 30 đến 50%, cải tạo hạ tầng, mở thêm dịch vụ mới, hạ giá thành các sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ để giữ trạm và thu hút khách đến.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho hành khách và phương tiện lưu thông trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, từ năm 2012, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cũng đang có kế hoạch xây dựng trạm dừng chân trên đường cao tốc tại Km41+100 với quy mô diện tích khoảng 5,3ha. Khi hoàn thành, đây sẽ là dự án trạm dừng chân quy mô, hiện đại đầu tiên trên đường cao tốc Việt Nam.

Hoàng Châu
.
.
.