Dự án đường sắt tốc độ cao mở ra nhiều cơ hội và thách thức
Dự án Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) vừa được Quốc hội bấm nút thông qua với số phiếu tuyệt đại đa số, có quy mô siêu lớn và đương nhiên cùng với đó là rất nhiều thách thức. Có thể nói, đây là dự án đầu tư công lớn nhất trong lịch sử đất nước với sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
Trước thời khắc này, một trong hàng loạt vấn đề được nhiều người quan tâm là liệu với các cơ chế đặc thù thì các nhà thầu trong nước đã có đủ điều kiện, sẵn sàng đón nhận “cơ hội” mới này như thế nào?
Sẽ áp dụng 19 cơ chế, chính sách đặc thù
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án ĐSTĐC Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, người được giao phụ trách lĩnh vực đường sắt chia sẻ: "Làm đường sắt tốc độ cao là tâm nguyện của nhiều thế hệ cán bộ ngành giao thông".
Với chiều dài 1.541km, đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong kết nối các hành lang Đông - Tây, các cực tăng trưởng để tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội. Ngay ở giai đoạn đầu tư, việc đầu tư tuyến ĐSTĐC tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD; nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD; phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD và hàng triệu việc làm. Đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Vị này cũng cho biết thêm: Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh vừa nhận nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó đã nêu rõ toàn ngành GTVT sẵn sàng, quyết tâm cao nhất để triển khai dự án ĐSTĐC như Nghị quyết Quốc hội đã đặt ra.
“Để dự án đáp ứng được lộ trình dự kiến khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành vào năm 2035, chúng ta còn rất nhiều việc, nhiều bước phải làm như: Lập Báo cáo khả thi (FS); thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED); thi công, mua sắm thiết bị; vận hành thử và khai thác thương mại. Mỗi giai đoạn nêu trên đều có những thách thức cần phải vượt qua. Những thách thức ấy đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan chuyên ngành nghiên cứu ngay các bước tiếp theo”, ông Huy chia sẻ.
Trong chủ trương vừa được thông qua, Quốc hội cho phép dự án được áp dụng 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt. Trước đó, báo cáo, giải trình làm rõ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Việc đầu tư dự án đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông. Có ý kiến đề nghị tính toán, kỹ lưỡng tất cả các yếu tố và rủi ro để có giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Các đại biểu cũng cho rằng cần thiết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khi triển khai dự án, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Bởi dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với ý kiến các đại biểu và chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong việc áp dụng triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, giao Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách này. Trong quá trình thực hiện, trường hợp tiếp tục cần phải bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện, Chính phủ sẽ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Nhà thầu Việt trông chờ cơ hội tham gia dự án
Dự án ĐSTĐC dự kiến triển khai theo hình thức hợp đồng EPC, thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED). Làm thế nào để nhà thầu Việt Nam tham gia được? Đó là trăn trở của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC). Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, đối với dự án ĐSTĐC Bắc - Nam, việc tin tưởng giao việc cho doanh nghiệp trong nước là hoàn toàn có thể.
Chung quan điểm, ông Đào Ngọc Vinh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT cho biết, ĐSTĐC được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam, là dự án chưa từng có tiền lệ, đứng trong Top 10 thế giới về chiều dài (1.541km); Tốc độ cao nhất đối với loại hình đường sắt chạy trên ray hiện nay (tốc độ thiết kế 350km/h, tốc độ khai thác tối đa 320km/h). Dự án được thiết kế gồm các hạng mục công trình: Hạ tầng (nền đường, cầu, hầm, ga, depot, trạm bảo dưỡng); kết cấu điều khiển chạy tàu (hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống điều khiển trung tâm điều hành chạy tàu); hệ thống phương tiện (đầu máy, toa xe); hệ thống cấp điện động lực cho toàn bộ hệ thống. Trong đó, cấu phần hạ tầng nhà thầu tư vấn và xây lắp Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận, ông Vinh nói.
Quan tâm đến khả năng tham gia của nhà thầu Việt Nam khi đấu thầu quốc tế, lãnh đạo TEDI bày tỏ: Trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội đã yêu cầu các tổng thầu, nhà thầu khi tham gia dự án phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước sản xuất được, cung cấp được. Trên tinh thần đó, VACC cần đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, đưa ra cơ chế cộng điểm đối với các liên danh có tỷ lệ nhà thầu Việt Nam tham gia lớn nhằm nâng tính hấp dẫn của nhà thầu trong nước với nhà thầu nước ngoài.
Quốc hội khóa XV thông qua Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự án đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Về công nghệ, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1.713.548 tỷ đồng; sử dụng vốn đầu tư công, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.