Dịch vụ taxi qua phần mềm Uber: Nếu tiện lợi cho người dân thì sẽ tạo điều kiện phát triển

Thứ Năm, 04/12/2014, 10:40
Chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện tại Việt Nam, dịch vụ taxi kết nối qua phần mềm Uber (gọi tắt là taxi Uber) đã thu hút sự chú ý của dư luận. Trong khi nhiều người dân cho rằng, đây là một dịch vụ tiện ích, giá rẻ, thì chính lãnh đạo Bộ GTVT vẫn còn có những ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên phát triển dịch vụ này. Để làm rõ hơn quan điểm về loại hình dịch vụ này, ngày 3/12, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia.

PV: Thưa ông, với vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia ông đánh giá thế nào về dịch vụ taxi Uber, mà nhiều người dân Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang sử dụng?

Ông Khuất Việt Hùng: Sau khi có dịch vụ Uber, chúng tôi đã nghiên cứu và khẳng định, trước tiên đây là dịch vụ hỗ trợ vận tải, đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ Việt Nam. Và nếu Uber đăng ký kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, với các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam, thì hoàn toàn đủ điều kiện pháp lý để cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải trên lãnh thổ Việt Nam. Trên thực tế, chúng ta xác định thế này, đơn vị cung cấp dịch vụ Uber, người ta không chịu trách nhiệm, cũng như chất lượng an toàn cho dịch vụ vận tải. Mà chính người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua Uber phải chịu trách nhiệm và như vậy, những người này phải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định pháp luật, vì kinh doanh vận tải hành khách là loại hình kinh doanh có điều kiện. Tôi cũng rất mong muốn, mọi tổ chức, cá nhân, mà cung ứng dịch vụ vận tải của mình qua Uber, phải là những tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện kinh doanh theo NĐ86 của Chính phủ và trong điều kiện, Uber phải đăng ký kinh doanh loại hình này tại Việt Nam. Những đơn vị taxi, những đơn vị vận tải hành khách hợp đồng, du lịch có thể hoàn toàn bán dịch vụ của mình qua Uber. Tất nhiên, các đơn vị đấy và Uber phải có hợp đồng phù hợp với lợi ích của hai bên và phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt là, những người cung ứng dịch vụ, phải đảm bảo mọi điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân lái xe, cho tài sản của họ, cũng như đảm bảo an ninh cho người sử dụng dịch vụ. Trách nhiệm của các bộ, ngành là làm sao xây dựng được các văn bản, tạo thuận lợi nhất, để cho loại hình dịch vụ này phát triển thuận lợi.

Tại TP HCM, nhiều taxi đã sử dụng dịch vụ qua Uber để đón khách.

PV: Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại buổi họp Ban cán sự ngày 2/12 thì phải hợp thức hóa dịch vụ Uber, vậy cơ quan chức năng sẽ có động thái gì để làm rõ việc này?

Ông Khuất Việt Hùng: Cho dù dịch vụ phát triển ở quốc gia nào, nhưng khi đã kinh doanh và có phát sinh lợi nhuận trên lãnh thổ Việt Nam, từ những công dân của Việt Nam, thì đơn vị đấy phải đăng ký kinh doanh theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam. Cái này thì Uber không nằm ngoại lệ. Cho đến thời điểm này, khi tìm hiểu trên trang web của Uber tại Việt Nam, chúng tôi chưa nhìn thấy, các điều kiện đấy phù hợp với quy định của Việt Nam, họ chỉ ghi tiếng Việt là áp dụng điều khoản tại Hà Lan. Tôi cho rằng, các đại diện của Uber nên đăng ký điều kiện kinh doanh, để đảm bảo rằng Uber hoạt động đúng theo quy định của Việt Nam và được các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của Uber và khách hàng của Uber. Tôi cũng nói thêm rằng, quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay đã khá đầy đủ, để chúng ta cung ứng dịch vụ qua Uber.

PV: Ủy ban ATGT Quốc gia với vai trò là cơ quan trung gian, Phó Chủ tịch có đánh giá dịch vụ này sẽ góp phần thúc đẩy xã hội hóa, phát triển dịch vụ vận tải?

Ông Khuất Việt Hùng: Với tư cách là một cơ quan giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ về công tác đảm bảo ATGT, thì trước tiên, chúng tôi khẳng định, các đơn vị kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ thông tin, để đẩy nhanh khả năng tiếp xúc giữa dịch vụ của mình với khách hàng, tạo thuận lợi trong việc đặt chỗ, giảm thời gian giao dịch, giảm chi phí, thì đó là ứng dụng tốt cho người dân. Thứ hai, chúng tôi có trách nhiệm kiến nghị với các bộ ngành, cần có những hướng dẫn cần thiết đầy đủ, để đảm bảo dịch vụ, người cung cấp dịch vụ vận tải thông qua dịch vụ Uber đến cho người dân là đúng quy định pháp luật và an toàn về mặt giao thông, đảm bảo an ninh chung cho quyền lợi của người sử dụng dịch vụ và cho toàn xã hội. Tôi cũng đã đặt vấn đề, nếu có đăng ký kinh doanh, thì phải là hợp pháp. Như vậy là để bảo vệ công dân, tổ chức Việt Nam khi sử dụng dịch vụ của các đơn vị này.

Nhiều người dân sử dụng dịch vụ taxi thông qua Uber. Ảnh minh họa.

PV: Theo các quy định hiện nay thì các doanh nghiệp hoạt động taxi, họ có thể chuyển ngay sang sử dụng phần mềm Uber được không? Trong trường hợp đang xây dựng cơ sở pháp lý, thì những đơn vị chưa đăng ký kinh doanh hoạt động vận tải, nhưng lại sử dụng dịch vụ Uber để hoạt động như taxi thì có bị xử lý hay không?

Ông Khuất Việt Hùng: Chúng tôi khẳng định, bất kỳ một đơn vị kinh doanh vận tải nào có quyền bán dịch vụ của mình, thông qua dịch vụ hỗ trợ vận tải của Uber. Vì về bản chất Uber là loại hình hỗ trợ dịch vụ vận tải. Các tổ chức cá nhân khi kinh doanh vận tải khách, hàng hóa tại Việt Nam đang thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam về kinh doanh vận tải có điều kiện, quy định rất chặt chẽ bởi Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 86 của Chính phủ. Bộ GTVT sẽ khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để có hướng dẫn cho người muốn cung ứng dịch vụ đi chung xe. Còn lại khuyến khích những người có phương tiện cá nhân, mà muốn kinh doanh vận tải, họ có thể đăng ký để lấy giấy phép để bán dịch vụ hợp đồng qua Uber, hay bất kỳ sàn giao dịch vận tải điện tử nào mà được kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam.

Thanh Huyền (ghi)
.
.
.