Đề xuất rút ngắn giờ lái xe của tài xế vào ban đêm: Hợp lý nhưng khó kiểm soát

Thứ Hai, 07/08/2023, 08:09

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, phân tích trên 11.043 vụ  tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trong năm 2022, TNGT xảy ra vào ban đêm chiếm chủ yếu, trong đó có 40,33% số vụ TNGT xảy ra từ 16h - 22h và 18,24% số vụ xảy ra từ 22h hôm trước đến 4h sáng hôm sau.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng TNGT vào ban đêm trong những năm tới, mới đây tại dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất thay đổi quy định giờ lái xe của tài xế vào ban đêm. Tuy nhiên cùng với việc quy định thay đổi, cách thức giám sát thế nào để thực hiện nghiêm, tránh tình trạng đối phó đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Theo quy định hiện nay, thời gian làm việc của mỗi người lái xe ôtô liên tục không quá 4 tiếng. Sau mỗi 4 tiếng, tài xế phải nghỉ ít nhất 15 phút, sau đó mới tiếp tục được lái tiếp .Tuy nhiên, thời gian qua, xảy ra không ít vụ việc do tài xế mệt mỏi, không tỉnh táo khi lái xe trong khoảng thời gian từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Gần đây nhất là vụ tai nạn xảy ra lúc 0h ngày 21/7 tại cầu An Đồng (huyện An Dương, TP Hải Phòng) giữa xe môtô và ôtô đầu kéo khiến một nam thanh niên tử vong.

Nhìn rõ nguy cơ khi lái xe quá lâu vào buổi đêm, tại dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đã đề xuất, thời gian lái xe liên tục không quá 4 giờ. Trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h ngày hôm sau, thời gian lái xe liên tục không quá 3 giờ, thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục trong thời gian này tối thiểu 30 phút.

2.jpg -0
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trước khi khởi hành chạy chuyến tối.

Ủng hộ đề xuất này, ông Khương Kim Tạo, Nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, thực tế, ở các quốc gia khác, những chuyến xe chạy ban đêm cứ 2 tiếng sẽ đổi lái xe. Quy trình đổi lái tùy thuộc từng doanh nghiệp, có nơi thay tài xế ngay trên xe, có nơi lại bố trí tại một điểm trung chuyển. Khi xe đến điểm trung chuyển, lái xe mới lên, lái xe cũ xuống nghỉ. Ông Tạo kiến nghị, dự thảo luật cần quy định rõ lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ và có người chịu trách nhiệm giám sát vấn đề này.

Đại diện cho Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Quyền lại cho rằng, cần cân nhắc đề xuất quy định thời gian lái xe liên tục không được quá 3 giờ đồng hồ trong thời gian từ 22h hôm trước đến 6h ngày hôm sau. Bởi đây là khoảng thời gian xe tải hoạt động nhiều do đường vắng, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm độ hao mòn lốp.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát lại đưa ra quan điểm, với các doanh nghiệp vận tải lớn, nếu di chuyển đường dài, hiện nay vẫn bố trí hai lái xe vào ban đêm. Cho rằng việc siết thời gian làm việc của lái xe vào ban đêm về cơ bản sẽ giúp giảm thiểu TNGT. Tuy nhiên, theo ông Bằng, quan trọng nhất phải là kiểm soát được thời gian lái xe của tài xế. Ông Bằng cho biết, hiện nay, việc quản lý thời gian làm việc của lái xe được thực hiện thông qua thiết bị giám sát hành trình (GSHT).

Khi tài xế lên xe bắt đầu ca làm việc sẽ phải quét giấy phép lái xe (GPLX) vào thiết bị này để hệ thống ghi nhận và tính giờ làm việc. Khi đổi ca, tài xế mới thay cũng phải thực hiện thao tác này để ghi nhận việc đổi lái cũng như tính thời gian làm việc cho tài xế mới thay. Tuy nhiên, trên thực tế  quy trình quản lý này vẫn còn bất cập bởi không loại trừ khả năng tài xế dùng GPLX của đồng nghiệp để quét khi đến thời gian giao ca nhưng thực chất không thực hiện việc đổi lái.

Nói thêm về giải pháp quản lý lái xe vào ban đêm, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cũng giống như giám sát tốc độ phương tiện, hiện nay việc giám sát thực hiện quy định về thời gian lái xe liên tục của tài xế được thực hiện qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình truyền về Cục Đường bộ Việt Nam. Tại đây, dữ liệu sẽ được tổng hợp theo từng tháng, những trường hợp vi phạm quá thời gian lái xe liên tục sẽ được gửi về các Sở GTVT địa phương để làm cơ sở xử lý. Ngoài ra, các doanh nghiệp có trách nhiệm trực tiếp giám sát thời gian lái xe của các tài xế thông qua thiết bị GSHT trên phương tiện, từ đó nhắc nhở, cảnh báo nếu tài xế vi phạm nhằm đảm bảo ATGT cho hành khách, phương tiện.

Nên tập trung làm nhanh trạm dừng nghỉ trên cao tốc

Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, cả nước hiện có hơn 1.700km cao tốc được đưa vào khai thác, nhưng hơn 1/3 trong số này chưa có trạm dừng nghỉ. Một trong những bất cập cũng như nguy cơ gây tai nạn của hạ tầng giao thông hiện nay là thiếu trạm nghỉ trên đường cao tốc.

Để khắc phục tình trạng này mới đây Bộ GTVT đã chính thức phê duyệt quy hoạch của 36 trạm dừng nghỉ phục vụ người dân khi lưu thông trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Tuy nhiên để thu hút nhà đầu tư lại không đơn giản. Trước đây chưa có hướng dẫn nên đầu tư manh mún. Đến nay quy định mới đã ban hành có thể triển khai làm đồng bộ trạm dừng nghỉ, giúp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đẩy nhanh việc thực hiện kêu gọi thu hút đầu tư 27 trạm dừng nghỉ còn lại thuận tiện hơn.

Trong bối cảnh vốn đầu tư công phải dành cho phát triển cao tốc, nhà nước không bỏ tiền ra làm những công trình có khả năng thu hút đầu tư. Kinh phí xây mỗi trạm dừng nghỉ khoảng vài trăm tỷ đồng. Với hàng chục trạm chúng ta sẽ tiết kiệm được số tiền lớn để làm công trình giao thông khác. Việc tách hạng mục trạm dừng nghỉ ra thành hạng mục riêng để kêu gọi đầu tư là phù hợp với điều kiện nguồn lực hiện nay.

Cùng với đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban quản lý dự án tiến hành đồng thời lập thiết kế trạm dừng nghỉ, lập dự án kêu gọi đầu tư, sau đó đấu thầu và triển khai thi công.

Đặng Nhật
.
.
.