Đề xuất chỉ định thầu 12 dự án cao tốc Bắc Nam

Thứ Tư, 09/02/2022, 06:29

Ngày 8/2, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, vừa trình Chính phủ dự thảo nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải có thẩm quyền áp dụng chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với tất cả các gói thầu tư vấn liên quan đến dự án; gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật; gói thầu đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Đối với các gói thầu xây lắp, Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu trên cơ sở đề xuất của các bộ liên quan. Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng chấp thuận danh sách dự kiến nhà thầu trước khi thực hiện chỉ định thầu.

thau.png -0
Sau 20 năm cả nước chỉ có được khoảng 1.000km đường cao tốc.

Dự thảo nghị quyết giao Bộ Giao thông Vận tải bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương; cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6. Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất rút ngắn các thủ tục như: Thẩm định, đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu...

Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, dự thảo nghị quyết đề xuất thực hiện theo cơ chế đặc thù của Chính phủ, bao gồm việc cho phép nâng công suất các mỏ đang khai thác để phục vụ đủ vật liệu cho nhà thầu thi công dự án; đơn giản thủ tục cấp phép...

Các cơ chế này đã được áp dụng với 11 dự án cao tốc Bắc Nam đang triển khai. Dự thảo nghị quyết cũng nêu trách nhiệm của các địa phương trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng, đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11, bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, cơ chế chỉ định thầu không làm giảm chi phí đầu tư, nhưng sẽ rút ngắn được 6 đến 9 tháng so với đấu thầu. Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành hồ sơ có tiêu chí cụ thể về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tư vấn, để đảm bảo lựa chọn được các nhà thầu mạnh.

Trước đó, ngày 11/1, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng. Dự án dài 729km được chia thành 12 dự án thành phần trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau; tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Mới đây, vào ngày 5/2, sau khi tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, động viên các lực lượng thi công các dự án cao tốc từ tỉnh Khánh Hòa tới Đồng Nai thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan về dự án trọng điểm này.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ băn khoăn, trăn trở khi sau 20 năm, cả nước chỉ có được khoảng 1.000km đường cao tốc. Thủ tướng đề nghị các chủ thể liên quan phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành trước kế hoạch ít nhất 1 quý. Thực hiện nghiêm các quy chuẩn, quy trình, quy định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào thực hiện các dự án; nghiên cứu thay đổi biện pháp thi công để đạt hiệu quả hơn; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình và nghiệm thu đúng quy trình, quy định; thực hiện mọi giải pháp để tiết kiệm đầu tư cả về mặt thời gian; có cơ chế tận dụng nguồn lực cho các dự án.

Thủ tướng giao các địa phương chịu trách nhiệm trong giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án; chăm lo đời sống cho người dân tái định cư; tổ chức xây dựng quy hoạch phát triển các không gian mới do tuyến đường tạo ra; quản lý tốt việc cấp vật liệu xây dựng cho các dự án; đảm bảo môi trường sau hoàn thành dự án…

P.Huyền
.
.
.