Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 tỉnh, thành, được đặt mục tiêu hoàn thành phần đường cao tốc vào cuối năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026...
Hiện các đoạn đi qua TP Hồ Chí Minh dài 47,35km và Đồng Nai dài 11,26km đã được khởi công vào ngày 18/6 vừa qua. Đoạn chạy qua địa bàn Bình Dương dài 10,76km, Long An dài 6,81km dự kiến được khởi công vào cuối tháng 6 này. Dự án được đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và 4 tỉnh, thành nên vốn đầu tư đã bố trí sẵn sàng. Tuy nhiên, dự án có đảm bảo hoàn thành trong thời gian đã đề ra hay không hiện còn phụ thuộc vào kết quả giải phóng mặt bằng của các địa phương.
Tại TP Hồ Chí Minh, việc giải phóng mặt bằng với diện tích đất lên đến hơn 410,4 ha, gồm TP Thủ Đức 99,814 ha, huyện Hóc Môn 98,892 ha, huyện Củ Chi 65,269 ha và huyện Bình Chánh 145,908 ha. Tổng mức đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng tại thành phố lên đến hơn 18.975 tỉ đồng.
Việc phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ban hành quyết định thu hồi đất giai đoạn 1 được TP Hồ Chí Minh thực hiện trong tháng 4 và giai đoạn 2 trong tháng 7 năm nay. Hạn cuối cùng để bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công tuyến Vành đai 3 tại thành phố là trước ngày 31/12.
Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã giải phóng 356ha trong tổng số 410ha, đạt 87% diện tích cần giai tỏa. Trong đó TP Thủ Đức đã thu hồi 72,8ha/99,8ha, huyện Củ Chi đã thu hồi 54,2ha/65,3ha, huyện Hóc Môn đã thu hồi 94,0ha/98,9ha, huyện Bình Chánh đã thu hồi 134,3ha/145,9ha.
Ở tỉnh Đồng Nai, diện tích thu hồi gồm cả các nút giao lên đến 65ha, tổng mức đầu tư để chi trả bồi thường hơn 1.268,6 tỉ đồng. Mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường khi thu hồi đất phục vụ dự án này để các đơn vị có liên quan lập hồ sơ, áp giá và làm phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nhưng phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư thuộc tuyến Vành đai 3 qua địa bàn Đồng Nai vẫn mất nhiều thời gian chờ phê duyệt.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, quy mô giải phóng mặt bằng cũng lên đến 129,3ha với tổng mức đầu tư 13.528 tỉ đồng. Hiện cũng mới chỉ đủ điều kiện mặt bằng để khởi công 2 trong tổng số 4 gói thầu xây lắp. Chủ đầu tư đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng, chuẩn bị mặt bằng các gói khởi công trước ngày 25/6 và hoàn tất các thủ tục liên quan phục vụ lễ động thổ vào ngày 28/6 này. Với chiều dài tuyến là 6,84 km, tỉnh Long An cũng phải thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 47,82ha, tổng vốn đầu tư cho bồi thường, tái định cư là 1.168 tỉ đồng. Đến nay Long An đã thu hồi 40,9/43 ha, đạt 95,5%, sẵn sàng động thổ vào cuối tháng 6 này.
Như vậy, ngoài tỉnh Long An đã gần như hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, 3 địa phương còn lại vẫn còn diện tích không nhỏ cần giải tỏa. Do đó việc bồi thường, thu hồi đất vẫn cần được tập trung để đảm bảo cho dự án đường Vành đai 3 về đích đúng hạn.