Đăng kiểm ôtô: Lại ùn tắc
Theo thông tin mới nhất từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước còn 40 trung tâm đăng kiểm chưa thể hoạt động trở lại. Số lượng phương tiện phải kiểm định trong 6 tháng tới khoảng 1,7 triệu xe. Thiếu nhân lực khiến nhiều trung tâm đăng kiểm phải đặt lịch hẹn kiểm định cho người dân kéo dài đến hàng tháng…
Tình trạng ùn tắc diễn ra tại 184 trung tâm đăng kiểm ở 43 tỉnh, thành
Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng cho biết, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng tình trạng ùn tắc tại các trạm đăng kiểm vẫn diễn ra và có xu hướng gia tăng do năng lực hiện tại của các trung tâm đăng kiểm không đủ đáp ứng. Cùng đó là việc thiếu hụt trung tâm đăng kiểm, dây chuyền kiểm định và đăng kiểm viên. Mặc dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công an (cử 100 cán bộ chiến sĩ) và Bộ Quốc phòng (cử 40 cán bộ chiến sĩ) đã quan quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cùng một loạt giải pháp tình thế cấp bách như miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới chưa qua sử dụng; thay đổi chu kỳ kiểm định ở một số nhóm đối tượng. Tuy nhiên phần lớn các nhóm phương tiện được áp dụng chu kỳ kiểm định mới theo quy định đến hạn kiểm định vẫn phải đến các trung tâm đăng kiểm để thực hiện kiểm định, cấp Giấy chứng nhận và Tem kiểm định. Do đó, tình trạng ùn tắc đã và đang diễn ra tại 184/241 trung tâm đăng kiểm ở 43 tỉnh, thành phố (còn 40 trung tâm chưa thể hoạt động trở lại).
Cụ thể, số lượng phương tiện hiện tại đến kỳ kiểm định nhưng chưa được kiểm định khoảng 800.000 xe; số lượng phương tiện phải kiểm định trong 6 tháng tới khoảng 1,7 triệu xe. Như vậy, tổng số lượng phương tiện cần được kiểm định trong 6 tháng khoảng 2,5 triệu xe.Trong khi đó, năng lực kiểm định của 241 trung tâm đăng kiểm với 384 dây chuyền đang hoạt động khoảng 550.000 xe mỗi tháng.
Việc tuyển dụng đăng kiểm viên mới cũng cần có thời gian đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ tối thiểu 12 tháng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, để giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng, ùn tắc thì theo tính toán phải cần ít nhất 6 tháng để kiểm định hết số lượng phương tiện nêu trên (chưa kể trường hợp phương tiện phải kiểm định lại). Đặc biệt là khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có mật độ phương tiện cao nên sẽ phải kéo dài thời gian hơn.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, hiện nay nhiều trung tâm đăng kiểm phải đặt lịch hẹn kiểm định cho người dân kéo dài đến hàng tháng. Việc kéo dài này đã gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp như vẫn phải đóng phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi trong khi không thể đưa vào khai thác sử dụng, kinh doanh vận tải, thậm chí bị huỷ hợp đồng vận chuyển, cùng với đó các doanh nghiệp vận tải và logistics cũng sẽ bị ngưng trệ trong sản xuất, gây lãng phí và thiệt hại rất lớn và nguy cơ cao bị phạt do không thực hiện kip thời các hợp đồng đã ký kết với các đối tác.
Đề xuất giãn chu kỳ kiểm định là khả thi
Cùng với phản ứng của người dân, mới đây Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA), Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam (VLA) cũng đã có các văn bản kiến nghị Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiến nghị giải quyết ách tắc trong kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với giải pháp cho phép thực hiện giãn chu kỳ kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải từ 9 chỗ ngồi trở xuống ngay từ chu kỳ kiểm định hiện tại.
Về vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nghiên cứu, phân tích hiện trạng, tham khảo các ý kiến đóng góp và nhận nhận thấy cần có một giải pháp cấp bách để nhanh chóng giải quyết vấn đề ùn tắc trong hoạt động kiểm định xe cơ giới. Và đề xuất của hai Hiệp hội VATA và VLA về việc cho phép thực hiện giãn chu kỳ kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải từ 9 chỗ ngồi trở xuống ngay từ chu kỳ kiểm định hiện tại là có tính khả thi. Nếu giải pháp này được thực hiện thì theo tính toán thời gian giải quyết được tình trạng ùn tắc là khoảng hơn 1 tháng tính từ thời điểm áp dụng.
“Đây là giải pháp duy nhất đến thời điểm hiện nay để giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm hiện nay trong thời gian sớm nhất”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh.
Được biết, số lượng ôtô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đến hạn kiểm định hàng tháng chiếm khoảng từ 33% đến 43% trên tổng số phương tiện đến hạn kiểm định tại trung tâm đăng kiểm hiện nay, đặc biệt là tại khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổng hợp số liệu kiểm định đối với ôtô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, nhận thấy tỷ lệ đạt ngay từ lần kiểm định thứ nhất là rất cao (khoảng 95%). Nếu số lượng ôtô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải nêu trên đã kiểm định trước đó được áp dụng ngay chu kỳ kiểm định quy định tai Phụ lục V của Thông tư 02 mà không phải đến trung tâm đăng kiểm để cấp lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định thì sẽ tạo điều kiện cho các trung tâm đăng kiểm tập trung nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ chủ yếu kiểm định cho các loại phương tiện kinh doanh vận tải khác.