Đảm bảo TTATGT, phục vụ người dân đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông
Trưởng Phòng CSGT Hà Nội đã chỉ đạo Đội CSGT đường sắt cũng như các đội nghiệp vụ chủ động tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tổ chức đảm bảo TTATGT, ANTT phục vụ người dân đi lại an toàn trên tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Sáng 6/12, đoàn công tác của Phòng CSGT Hà Nội do Đại tá Dương Đức Hải làm trưởng đoàn cùng với ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hà Nội Metro đã có chuyến kiểm tra, thống nhất các nội dung quan trọng trong công tác đảm bảo TTATGT, ANTT tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Cụ thể, chuyến kiểm tra này nhằm giúp các đơn vị chức năng liên quan nhận định được một cách rõ ràng tác động của sự dịch chuyển hành khách với hệ thống giao thông trên trục Cát Linh – Hà Đông, các khu vực giao thông lân cận từ đó tiếp tục chủ động, hiệu quả hơn nữa trong công tác phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra còn có việc bố trí điểm trông giữ phương tiện, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đại tá Dương Đức Hải đưa ra mối quan tâm về lượng hành khách biến động ở từng thời điểm, mốc thời gian trong ngày cũng như tổng thể giữa ngày thường và cuối tuần. Với hành trình di chuyển thực tế qua từng ga, chỉ huy Phòng CSGT đều yêu cầu Đội CSGT đường sắt và các đơn vị chú ý mật độ phương tiện và người tham gia giao thông phía dưới. Điều này giúp lực lượng chức năng dựng lên một “bản đồ” sát nhất trên toàn tuyến Cát Linh – Hà Đông; đánh giá đúng, sát thực những tác động về hoạt động vận chuyển hành khách đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông với các khu vực giao thông xung quanh, các quận, địa bàn nơi tuyến đường sắt này đi qua.
Vui mừng với lượng hành khách sử dụng dịch vụ của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Đại tá Dương Đức Hải dự báo: “Chắc chắn trong thời gian sớm tới đây, số lượng hành khách đi tàu sẽ tăng cao hơn nữa. Đặc biệt, sẽ có lượng hành khách “chung thủy” lựa chọn đường sắt trên cao là phương tiện đi lại trong ngày”.
Trước những dự báo trên, chỉ huy Đội CSGT đường sắt cũng như các Đội Tham mưu Tổng hợp và các đơn vị CSGT quản lý địa bàn qua các quận Hà Đông, Thanh Xuân và Đống Đa cần tiếp tục chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp nắm tình hình, xây dựng và triển khai hiệu quả các phương án đảm bảo TTATGT trên từng cấp độ, từng địa bàn, từng nhà ga… Trong đó tập trung vào 3 điểm ga lớn đầu, giữa và cuối chặng là Cát Linh, Phùng Khoang và Yên Nghĩa.
Về công tác phòng chống dịch COVID-19, hiện nay hành khách đi tàu đều được đo thân nhiệt, rửa tay diệt khuẩn và khai báo y tế. Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo các cấp về khai báo y tế trên app PC-COVID của Chính phủ và VNEID của Bộ Công an, đơn vị đã chỉ đạo Đội CSGT đường sắt khảo sát các ga, tham mưu, kiến nghị và yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp lắp đặt hệ thống camera quét mã QR Code của Bộ Công an để đưa vào sử dụng.
Hiện nhiều trường dữ liệu thông tin của người dân đã được Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) tích hợp vào căn cước công dân gắp chíp. Một trong những dữ liệu đó chính là lịch sử khai báo y tế, tiêm vắc xin, các thông tin liên quan đến di chuyển…của hành khách, người dân. Chỉ cần sử dụng căn cước công dân gắn chíp và đưa vào camera quét trong chưa đầy 2 giây là người dân đã hoàn thành việc khai báo y tế rất nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, văn minh và hiện đại.
Thời điểm cuối năm, cả trên đường sắt trên cao và đường bộ phía dưới, nhu cầu đi lại của người dân, hành khách rất lớn. Không loại trừ, những đối tượng vi phạm pháp luật sẽ có ý định, thủ đoạn lợi dụng việc đi lại của hành khách, người dân trên những loại hình phương tiện công cộng, cá nhân này để hoạt động, gây án.
“Nhận diện chính xác những nguy cơ sẽ giúp chúng ta chủ động ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nhiều phía các tác động, ảnh hưởng không có lợi cho hoạt động đi lại của người dân, cũng như qua đó góp phần đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông, an ninh trật tự…”, Đại tá Dương Đức Hải khẳng định.