Đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cao tốc Bãi Vọt - Kỳ Anh
Đặt mục tiêu hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn, tỉnh Hà Tĩnh đang gấp rút tháo gỡ các vướng mắc liên quan để đảm bảo giao mặt bằng sạch đúng tiến độ cho các nhà đầu tư.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn Hà Tĩnh gồm có 4 dự án thành phần, thực hiện qua 2 giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025. Trong đó, dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc giai đoạn 2017 - 2020, có chiều dài đoạn tuyến qua tỉnh là 4,84 km và đã thực hiện hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) và bàn giao cho chủ đầu tư. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư khi triển khai các dự án thành phần giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp liên quan như đền bù GPMB, cắm mốc thực địa, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, quy hoạch các bến bãi vật liệu, bãi đổ thải… để tiến hành thi công dự án.
Trước đó, ngày 8/3/2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Bãi Vọt - Kỳ Anh. Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải làm Trưởng ban, có nhiệm vụ phối hợp với chủ đầu tư để tổ chức triển khai thực hiện Dự án đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng và tiến độ; chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ, kịp thời với chủ đầu tư trong việc giải quyết các thủ tục liên quan, đảm bảo kịp thời công tác bồi thường, GPMB, tái định cư dự án.
Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để chủ đầu tư triển khai dự án đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ. Kịp thời chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, phát sinh liên quan đến thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh; xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện các nội dung yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT trong việc chuẩn bị triển khai dự án trên địa bàn, Hà Tĩnh đã chủ động, sớm ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các địa phương có công trình đi qua, các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện với các nội dung công việc có gắn kèm mốc thời gian cụ thể. Ngay sau khi có chỉ đạo của tỉnh, các địa phương liên quan dự án đã thành lập hội đồng đền bù, GPMB, tiếp nhận hồ sơ, mốc GPMB thực địa giai đoạn 1 của dự án để kiểm đếm, xác định nhu cầu về tái định cư, di dời nghĩa trang, di dời đường điện, viễn thông và các công trình khác. Đồng thời, tiến hành rà soát quỹ đất của địa phương, trên cơ sở các quy hoạch liên quan, đề xuất các khu tái định cư phục vụ công tác GPMB dự án.
Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành tổng hợp kết quả rà soát sơ bộ với diện tích đất phải GPMB khoảng 900 ha, di dời 589 hộ dân và 700 ngôi mộ, dự kiến bố trí 21 khu tái định cư. Tổng kinh phí GPMB ước tính 3.900 tỷ đồng.
Đến đầu tháng 4/2022, Hà Tĩnh cũng đã có báo cáo gửi Bộ NN&PTNT về kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 100,85 ha đất rừng để thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn. Trong số này, có 3,32 ha rừng tự nhiên và 97,53 ha rừng trồng, thuộc địa phận các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành việc bàn giao hồ sơ cắm cọc GPMB đợt 1 cho hội đồng bồi thường GPMB cấp huyện với khối lượng 23,73km. Trong số này, đã bàn giao cọc, mốc tại thực địa kèm hồ sơ cắm cọc GPMB đạt khối lượng 16,53km.
Hà Tĩnh cũng đang đặt ra mục tiêu hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Để thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, theo tính toán của nhà đầu tư, dự kiến nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng phục vụ dự án là 16,9 triệu m3 đất đắp nền đường và khoảng 1,3 triệu m3 đá. Để đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu thi công dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan khảo sát, cung cấp thông tin hiện trạng, quy hoạch nguồn vật liệu cho chủ đầu tư dự án. Qua rà soát, tỉnh Hà Tĩnh đã cấp phép 34 mỏ đá xây dựng, 20 mỏ đất san lấp và 12 mỏ cát.
Cùng với đó, đã tiến hành rà soát, đề xuất 37 bãi đổ chất thải rắn xây dựng không phải là chất thải nguy hại phục vụ khi công trình triển khai thi công. Ban Quản lý dự án Thăng Long đã tiến hành kiểm tra và ghi nhận, trong số này có 30 bãi đạt tiêu chuẩn, dù tổng trữ lượng còn chưa đáp ứng yêu cầu của dự án.
Đồng chí Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Bãi Vọt - Kỳ Anh cho biết, để đảm bảo bàn giao diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp theo đúng tiến độ đề ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương có tuyến cao tốc đi qua cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh trong việc giữ nguyên hiện trạng trong phạm vi hướng tuyến, tuyệt đối không để xây dựng, cơi nới các công trình để chờ đền bù. Cùng với đó, các sở, ngành và địa phương cần chủ động phối với đơn vị liên quan trong việc xây dựng khu tái định cư; di dời công trình quốc phòng, hạ tầng kỹ thuật về điện, viễn thông, thủy lợi cũng như chủ động, tập trung cao độ triển khai thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan, đảm bảo hoàn thành GPMB theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ.
Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gồm có 3 đoạn với tổng chiều dài khoảng 102,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 20.230 tỷ đồng và đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã. Trong đó, đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có chiều dài khoảng 34,5km và đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng có chiều dài khoảng 55km, do Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Đoạn Vũng Áng - Bùng (Quảng Bình) đoạn qua Hà Tĩnh dài 13km do Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.